(HNM) - Thực hiện có hiệu quả việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh là những nội dung được nêu trong Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội.
Đây đều là các vấn đề trực tiếp liên quan tới phong tục tập quán và đã bám rễ, ăn sâu trong đời sống xã hội, nhiều người biết những hủ tục như vậy là không văn minh, nhưng để làm cuộc "cách mạng" lại không hề đơn giản. Để có được chuyển biến từ nhận thức tới hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong tổ chức việc cưới, việc tang thời gian qua có vai trò đóng góp quan trọng của Ủy ban MTTQ các quận, huyện với những cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.
Tại khu vực đô thị, việc vận động thực hiện tang lễ văn minh là không dễ dàng, bởi "phú quý sinh lễ nghĩa"; trong khi đó, thực hiện ở khu vực nông thôn còn khó khăn hơn khi nhận thức của người dân về hủ tục và truyền thống còn bị đánh đồng, ngoài cỗ bàn linh đình, tại nhiều nơi còn có những hủ tục nặng nề khác. Huyện Đông Anh là địa bàn hội tụ những đặc trưng của cả nông thôn lẫn đô thị.
Xác định thực hiện tang lễ văn minh là công việc khó khăn, phức tạp, do đó phải lựa chọn những nội dung cụ thể, gắn liền lợi ích của người dân khi triển khai; MTTQ huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành Nghị quyết thực hiện "Việc tang văn minh, tiến bộ". Nghị quyết tập trung vào 4 nội dung: giảm ăn uống linh đình; xóa bỏ các hủ tục; quy hoạch nghĩa trang và thực hiện hỏa táng; trong đó thực hiện hỏa táng là mấu chốt để giảm các hủ tục đi kèm. Từ đó MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp và các tổ chức thành viên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Vận động nhân dân thực hiện tang lễ văn minh, MTTQ huyện Đông Anh cũng đặc biệt quan tâm tới việc lựa chọn đối tượng để có hình thức tuyên truyền phù hợp. Trong đó điển hình là phối hợp với Hội người cao tuổi mời các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cùng các nhà sư có uy tín, nói chuyện, vận động nhân dân thực hiện tang lễ văn minh tại các hội nghị chuyên đề từ huyện tới từng khu dân cư. Tại cơ sở, Ban công tác mặt trận đã tham mưu cho chi bộ ra nghị quyết, đồng thời lập các đoàn công tác, thăm hỏi, động viên người ốm đau, những gia đình có người qua đời để vận động đưa thân nhân đi hỏa táng, vận động giảm ăn uống trong ngày tang... Cùng với sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh còn đưa việc thực hiện tang văn minh, tiến bộ vào quy ước xây dựng thôn, làng, khu dân cư văn hóa; các xã, thị trấn cử cán bộ ký hợp đồng với Ban tang lễ thành phố giúp cho việc đưa di hài người chết đi hỏa táng được thuận lợi.
Với phương pháp và hình thức triển khai nêu trên, 5 năm qua việc thực hiện tang lễ văn minh trên địa bàn huyện Đông Anh đã đạt được kết quả tích cực. Nếu như trước đây nhiều nơi tổ chức 100-150 mâm cỗ trong ngày tang lễ, ngày cúng tuần thì nay chỉ còn tập trung con cháu trong gia đình; 100% số đám tang trong huyện không mời thuốc lá, không cử nhạc tang sau 23h; việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như khóc mướn, lăn đường... cơ bản được xóa bỏ; ban đầu toàn huyện chỉ có 18% số ca tử vong thực hiện hỏa táng (tập trung vào những bện hiểm nghèo, lây nhiễm) thì nay đã đạt gần 60%...
Cũng bắt đầu từ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới nhưng MTTQ quận Hà Đông, huyện Gia Lâm, xã Bình Yên (huyện Thạch Thất)... cho rằng, hiệu quả thu được phụ thuộc rất nhiều vào khâu giám sát, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tại quận Hà Đông, cán bộ, công chức, viên chức được vận động gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tổ chức đám cưới tiết kiệm và chịu sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể cơ sở. Ban công tác mặt trận ở các khu dân cư chịu trách nhiệm khảo sát, nắm bắt dư luận, ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó tổng hợp báo cáo lên phường, quận về kết quả thực hiện.
Cán bộ MTTQ ở các phường trên địa bàn quận cho biết, việc giám sát ở đây không phải là đi đếm từng mâm cỗ xem có vượt quá số lượng quy định (50 mâm, tương ứng với 300 khách) hay không. Quan trọng là cán bộ ở cơ sở cùng các tổ chức đoàn thể phải sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng gia đình, của cô dâu, chú rể, từ đó có cách làm phù hợp, vừa tiết kiệm, chống lãng phí, thuận tiện cho việc tổ chức, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục và quy định. Đặc biệt, tại 7 xã mới chuyển lên phường đã chấm dứt việc mời cả làng, cả thôn đến ăn cỗ đám cưới để "trả nợ miệng". 100% cán bộ, công chức, viên chức của quận không đi ăn cưới trong giờ hành chính, không sử dụng xe công vào việc hiếu, hỷ. Ngày càng có nhiều đám cưới dùng thiếp báo hỷ, tổ chức liên hoan bánh kẹo, tiệc trà...
Nếu như năm 2009 chỉ có 60,8% số đám cưới trên địa bàn quận Hà Đông thực hiện các tiêu chí nếp sống văn minh thì năm 2013 con số này đã lên tới 94,1%. Có những nơi như tổ dân phố 12, 13 phường Quang Trung có tới trên 80 các gia đình chỉ tổ chức 15-20 mâm cỗ, còn lại tổ chức tiệc trà ở nhà văn hóa khu dân cư. Tính ra mỗi đám cưới như thế trung bình tiết kiệm được chi phí tới 40-50 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Khởi, ở phường Biên Giang, vừa cưới vợ cho cậu con trai duy nhất vào năm 2012 cho biết, với số tiền đó các cháu có thêm một khoản để đầu tư kinh doanh hoặc lo cho con cái học hành sau này...
Như chia sẻ kinh nghiệm của các cán bộ MTTQ ở cơ sở, các cụ xưa đã dạy "nói phải củ cải cũng nghe", vận động bà con thực hiện việc cưới, việc tang văn minh hoặc triển khai các chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp với tình hình và bảo đảm lợi ích của người dân thì luôn được quần chúng đồng tình ủng hộ. Đây chính là cái gốc của vấn đề. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện để người dân nhìn vào, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Được như vậy thì không có việc gì khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.