(HNM) - 4 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm làm 248 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Còn tại Hà Nội, từ năm 2010 đến năm 2021, trên địa bàn xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học (chiếm 47,1%), khiến 640 người bị ngộ độc. Vậy làm thế nào để đề phòng ngộ độc thực phẩm nói chung, trong các bếp ăn tập thể nói riêng?
Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, các trường học, bệnh viện, cơ quan và doanh nghiệp, cần thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các bếp ăn chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường và đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đối với người quản lý, lãnh đạo các bếp ăn tập thể, cần thực hiện đầy đủ các quy định, điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi đưa bếp ăn vào hoạt động; đầu tư cải tạo, nâng cấp và kịp thời sửa chữa cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu vệ sinh theo quy định; thường xuyên kiểm tra việc thực hành vệ sinh cá nhân của người chế biến thực phẩm; kiểm tra nguồn nước, giám sát việc nhập nguyên liệu, thực phẩm. Đối với người chế biến, phải thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh như dùng tay bốc thực phẩm, xì mũi, ngoáy tai... Phải mang khẩu trang, bảo hộ đúng cách; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn, trước và sau khi chế biến thức ăn. Rác, thức ăn thừa, nước thải phải được xử lý triệt để. Thiết bị, dụng cụ chế biến phải được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không để ruồi, kiến, gián, chuột, bụi tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.