Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa ma túy tổng hợp: Tuyên truyền chưa đáp ứng thực tế

Thành Tâm| 26/10/2016 11:38

(HNMO) - Ma túy tổng hợp ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với đời sống xã hội. Trong khi công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn thì việc tuyên truyền phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu.


Gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến MTTH. Trong những vụ án này, đối tượng nghiện sử dụng MTTH đến mức gây ảo giác, ra tay rất tàn độc, giết hại hoặc gây thương tích cho nhiều người, thậm chí sát hại người thân, sát hại người già, trẻ nhỏ.

Gần đây, đầu tháng 9, đối tượng Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1990, trú tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) do bị ảo giác sau khi sử dụng MTTH đã dùng vật nhọn đâm cha mẹ, làm người cha bị thương, người mẹ tử vong. Nếu không gây ra các vụ trọng án thì đối tượng “ngáo đá” có thể gây rối trật tự công cộng theo kiểu trèo lên mái nhà, cột điện, đòi tự tử, xông ra đường cản trở giao thông… gây nguy hiểm cho bản thân và người khác, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh…

Thực tế cho thấy, tội phạm ma túy đã và đang chuyển mạnh sang buôn bán MTTH. Lý do là MTTH lợi nhuận cao, dễ vận chuyển, lại được một bộ phận thanh thiếu niên hư hoặc thiếu hiểu biết thích tiếp nhận vì dễ sử dụng, đem đến ảo giác nhanh. Những tháng đầu năm 2016, qua đấu tranh với tội phạm ma túy, Công an TP Hà Nội thu giữ được hơn 67,5kg MTTH các loại. Trong khi đó số hêrôin thu giữ được chỉ gần 45,5kg.

Còn trên địa bàn cả nước, Công an chỉ thu được gần 210kg hêrôin, trong khi thu đến hơn 425,5kg và gần 106.000 viên MTTH. Không những thế, những loại MTTH mới, tác hại ngày càng nguy hiểm liên tục xuất hiện như cỏ Mỹ, cỏ “khát” rồi nay đến loại ma túy dạng “tem”…

MTTH thực sự là thuốc độc thần kinh, nhưng thực tế không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về tác hại của nó, nhất là giới trẻ, đối tượng tấn công chủ yếu của tội phạm ma túy. Với đặc điểm tâm lý ham tìm cảm giác mới lạ, nhiều thanh thiếu niên rủ nhau thử MTTH mà không nghĩ đến tác hại của nó. Hệ quả là số đối tượng nghiện ngày càng trẻ hóa, thủ phạm gây ra các vụ án liên quan đến MTTH cũng vì thế ngày càng trẻ.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, so với hiểm họa như nêu trên, rất hạn chế. Thỉnh thoảng, các cơ quan thông tin đại chúng có lên tiếng cảnh báo, còn tuyên truyền chuyên đề của các cơ quan chức năng rất mờ nhạt. Một số cơ quan liên quan như y tế, các đoàn thể, trường học… có tuyên truyền nhưng nội dung cũ, không theo kịp diễn biến tệ nạn hoặc diện tuyên truyền chưa rộng.

Đơn cử như trong năm học 2015-2016, chỉ có 8 trường THPT của Hà Nội có hoạt động tuyên truyền về tác hại và cách phòng ngừa ma túy. Cơ quan công an cũng chưa thực sự chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cung cấp thông tin về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy…

Tuyên truyền về phòng ngừa tác hại của ma túy còn nhiều hạn chế, chưa nâng cao nhận thức của người dân nói chung và các đối tượng nguy cơ cao nói riêng. Trong yêu cầu về công tác 6 tháng cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo 138 thành phố yêu cầu các cấp, ngành “chú ý tuyên truyền phòng ngừa số đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, số đối tượng “ngáo đá” gây án để giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện, tố giác”. Song, tuyên truyền thế nào cho đúng, cho đủ, cho phù hợp đối tượng thì đến nay chưa được rõ…

Hiểm họa ma túy, mà giờ nổi lên hiểm họa từ MTTH, vừa có tính cấp bách đối với trật tự an toàn xã hội, vừa có tính dài lâu đối với giống nòi. Xét trên quan điểm đó, tuyên truyền về tác hại và cách phòng ngừa MTTH chưa tương xứng yêu cầu thực tế đặt ra. Điều này cần được các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa ma túy tổng hợp: Tuyên truyền chưa đáp ứng thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.