Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa lao động trẻ em để bảo vệ thế hệ tương lai

Vũ Minh| 12/06/2021 20:31

(HNMO) - Những năm gần đây, do tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu, tỷ lệ lao động trẻ em có xu hướng tăng ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa việc sử dụng lao động trẻ em không đúng quy định, để bảo vệ thế hệ tương lai.

 Công tác tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em sẽ diễn ra thường xuyên, bằng nhiều hình thức.

5,3% người từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em 

Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm 2020, nước ta có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em. Tỷ lệ này tuy giảm sâu so với kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ nhất vào năm 2012 (tỷ lệ lao động trẻ em năm 2012 là 15,5%), nhưng vẫn còn khá cao, tương ứng với hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia lao động.

Đáng quan tâm hơn, lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở nông thôn, thường làm những công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Thời gian làm việc của lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc khá dài, với 40,6% số trẻ ở nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.  

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song do tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị chức năng liên tục cảnh báo nguy cơ gia tăng lao động trẻ em. "Việc sử dụng lao động trẻ em chỉ mang lại những lợi ích tạm thời trước mắt, nhưng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt. Trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập, còn gia đình và xã hội sẽ thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai”, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam trăn trở.

Cùng hành động

Thiết thực góp phần bảo vệ cho thế hệ tương lai, các ngành, địa phương chung tay hành động để giảm nguy cơ trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái cho biết, ngoài các chính sách chung, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động trẻ em; giám sát, kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Ngoài ra, thành phố thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em tại địa phương có nghề truyền thống ở các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức và Thạch Thất. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội có gần 20.000 trẻ em và gần 2.000 hộ gia đình có trẻ em đứng trước nguy cơ phải tham gia lao động sớm đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt. Toàn thành phố không có trẻ em phải tham gia lao động sớm trái quy định của pháp luật.

Trước hiệu quả thấy rõ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Từ mô hình điểm ở xã Hương Ngải, chúng tôi đang nghiên cứu nhân rộng mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em tại tất cả làng nghề trên địa bàn huyện".

Cùng với thành phố Hà Nội, mô hình tương tự cũng được nhiều tỉnh, thành phố triển khai. Ở cấp vĩ mô, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chức năng thực hiện Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, xây dựng tiêu chí xác định lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vấn đề này sẽ diễn ra thường xuyên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em được các ngành chú trọng thực hiện...

Với tinh thần cùng hành động để phòng ngừa lao động trẻ em, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tin tưởng, tỷ lệ lao động trẻ em ở nước ta sẽ giảm dần, còn dưới 4,9% vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa lao động trẻ em để bảo vệ thế hệ tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.