(HNM) - Bệnh sốt xuất huyết đã có dấu hiệu xuất hiện trở lại ở Hà Nội khi từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 155 ca mắc tại 105 xã, phường của 24 quận, huyện. Trong điều kiện thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay - yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển - chúng ta không thể chủ quan bởi chỉ mới năm trước, số ca nhiễm sốt xuất huyết đạt con số kỷ lục trong 32 năm trở lại đây (320.000 ca).
Địa bàn Thủ đô hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều công trình đang xây dựng. Cùng với đó là có nhiều khu nhà trọ cơ sở hạ tầng không bảo đảm, khu tập thể cũ, rãnh thoát nước thải lộ thiên, ao tù… Những địa điểm này tạo nơi trú ngụ, sinh sôi của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Thêm vào đó, trong cộng đồng vẫn còn một bộ phận dân cư chưa coi trọng đúng mức việc phòng trừ dịch bệnh nên vẫn tích trữ nước; chưa chủ động dọn vệ sinh môi trường, khiến tác nhân gây bệnh càng thêm phức tạp. Thậm chí, ở một số nơi, người dân còn có thái độ không hợp tác với ngành Y tế để phun thuốc diệt muỗi, tìm diệt ổ lăng quăng.
Điều đáng nói, ở Thủ đô “đất chật người đông”, di biến động dân cư lớn, là nơi giao lưu, đi lại của người dân khắp cả nước cũng làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.
Với điều kiện như vậy, nhiệm vụ ngăn chặn triệt để dịch bệnh sốt xuất huyết phải là của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Trong đó, vai trò của ngành Y tế luôn là nòng cốt, vừa truyền thông hiệu quả cách phòng bệnh, vừa triển khai các biện pháp để triệt xóa nguồn lây bệnh. Hệ thống y tế dự phòng các tuyến giám sát chặt chẽ, phát hiện ca bệnh mới, trên cơ sở đó điều tra dịch tễ, chỉ số côn trùng và tiến hành phun hóa chất tại những nơi có bệnh lưu hành, ổ dịch cũ...
Các cơ sở y tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, nâng cao chất lượng xét nghiệm để tiếp nhận, thu dung bệnh nhân khi có yêu cầu. Khi chữa trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, các cơ sở y tế cần theo dõi khám, chữa bệnh theo đúng phác đồ, trường hợp nặng phải hội chẩn để có phương án điều trị phù hợp.
Các cấp chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các ngành chức năng thường xuyên triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi… Các địa phương cần huy động cán bộ cơ sở bám sát địa bàn, vận động nhân dân thực hiện phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; khi có người mắc bệnh khẩn trương tổ chức “khoanh vùng dập dịch”.
“Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Vì vậy, mỗi người dân phải thường xuyên tổng vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc và cộng đồng nơi sinh sống. Những việc cụ thể cần làm là phát quang bụi rậm, không tạo môi trường cho muỗi trú ngụ, loại bỏ các dụng cụ chứa nước hoặc đậy kín dụng cụ chứa nước. Khi đi ngủ phải mắc màn, chống muỗi đốt ban ngày…
Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, mỗi người cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần nắm được những triệu chứng cơ bản của sốt xuất huyết; khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị; tuyệt đối không chủ quan, tự ý điều trị tại nhà, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Yếu tố quyết định ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết là phải thực hiện xuyên suốt quan điểm “phòng” hơn “chống”. Để làm tốt việc này, chắc chắn không thể chỉ trông chờ vào ngành Y tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.