(HNM) - Biến đổi khí hậu khiến các loại hình thời tiết cực đoan, nguy hiểm gia tăng; đáng chú ý, các đợt rét đậm, rét hại diễn biến bất thường, phức tạp… Điển hình là những năm gần đây, đã có những mùa đông xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại kéo dài, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Mùa đông năm nay, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nền nhiệt sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm và còn xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại trong thời gian tới. Thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội, đang phải hứng chịu đợt không khí lạnh với cường độ mạnh; một số khu vực vùng núi cao nhiệt độ đã xuống dưới 5 độ C, gây ra nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nếu các đơn vị, người nuôi trồng... không chủ động phòng, chống, có thể ảnh hưởng đến sản lượng, thu nhập, gây tác động tiêu cực đến nguồn cung thực phẩm, nông sản dịp cuối năm.
Thực tế, dù Hà Nội và các địa phương đã chủ động hơn trong phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi qua việc tăng cường thông tin thời tiết, điều chỉnh thời vụ… nhưng có thể thấy, chúng ta chưa hình thành được một hệ thống giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phòng tránh rét đậm, rét hại và thích ứng với biến đổi khí hậu trong dài hạn. Mặt khác, nhận thức của một số chính quyền địa phương và người dân về rét đậm, rét hại còn hạn chế nên còn bị động trong ứng phó.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho sản xuất, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với tư duy mới. Nhiệm vụ phải làm thường xuyên là các cơ quan chức năng cần cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cây trồng.
Mặt khác, ngành chức năng và các địa phương cần chủ động tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Kết hợp với kinh nghiệm ở địa phương, cơ quan chuyên môn cần kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới để có thể "sống chung" với thời tiết cực đoan, rét đậm, rét hại. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động hỗ trợ các loại vật tư giúp người dân kịp thời gia cố chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc; gắn việc phòng, chống rét đậm, rét hại với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở.
Cùng với đó là chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án nhằm hạn chế tác động của rét đậm, rét hại tới sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Trong đó, có tính đến các phương án đối phó với thiên tai bất thường dẫn đến tình trạng thiếu mạ hay hướng dẫn nông dân chuyển đổi lúa sang các loại cây trồng cạn để bảo đảm hiệu quả. Về lâu dài, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần triển khai đồng bộ giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cả tình trạng rét đậm, rét hại để có cơ chế, chính sách cũng như giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đưa vào sản xuất những loại giống cây trồng có khả năng chống chịu rét, kháng bệnh cao.
Đặc biệt, các hộ nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng, chủ động phòng chống và thích ứng với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, bảo đảm năng suất và hiệu quả, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.