(HNM) - Thời tiết bất thường, cực đoan ngày càng thể hiện rõ qua nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm hay những trận mưa, lũ, lốc có cường độ cao.
Tiềm ẩn nguy cơ
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hệ thống đê điều Hà Nội luôn được thành phố quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp bảo đảm chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, nhiều năm qua các công trình chưa được thử thách với lũ lớn, thân đê chứa chất nhiều ẩn họa, sự cố... Đơn cử như 9 tuyến đê chống lũ dài gần 273km nằm trên vùng có địa chất xấu, gần ao, hồ sát đê phía đồng, dòng chảy chính thường áp sát các công trình, bờ sông. Hằng năm vào mùa lũ khi mực nước sông lên cao thường xuất hiện mạch đùn, mạch sủi… Tương tự, 5 tuyến đê phân lũ trong nhiều năm chưa qua thử thách với lũ nên không loại trừ những ẩn họa khó lường; 9 tuyến đê bao đi qua vùng có địa chất xấu, mật độ cống qua đê dày cũng dễ xảy ra sự cố khi có mưa lớn trên diện rộng và lũ rừng ngang... Dọc tuyến đê Hữu Đà, Hữu Hồng, Hữu Đuống có 10 tuyến đê bối và 8 tuyến đê chuyên dùng dài hơn 62km, nhưng chất lượng kém, có thể vỡ đột ngột nếu có lũ…
Đổ đất phế thải gây mất an toàn đê điều ở huyện Quốc Oai. |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Đức Trung cho biết, do chất lượng đê yếu nên sau trận mưa lớn xảy ra cuối tháng 5 vừa qua, nhiều vị trí bị sạt lở. Đê Tả Đáy thuộc địa phận thị trấn Kim Bài (Thanh Oai) bị sạt lở chân mái đê và cơ đê thượng lưu chiều dài 200m. Cũng trên tuyến đê này, đoạn qua xã Viên Nội (Ứng Hòa), sự cố sạt trượt mái đê thượng lưu, đỉnh cung trượt sát với mặt đê; cung trượt dài 27m; khối trượt ăn sâu vào mái đê 6,6m… Đê Tả Bùi thì xảy ra các điểm sạt lở đoạn qua xã Quảng Bị, Trung Hòa…
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm đê điều cũng đáng báo động ở nhiều địa phương. Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão thành phố Đỗ Đức Thịnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 131 vụ vi phạm về đê điều, tuy nhiên, do chính quyền địa phương một số nơi chưa vào cuộc quyết liệt nên mới xử lý được 6 vụ; chưa tính hơn 1.600 vụ vi phạm tồn đọng từ năm 2010. Trong đó, tính riêng trên địa bàn huyện Ứng Hòa từ đầu năm đến nay tiếp tục phát sinh 62 vụ vi phạm đê điều, nhưng các xã, thị trấn mới giải tỏa được 5 vụ. Tương tự, các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai… cũng vẫn để tồn đọng các vụ vi phạm đê điều đáng báo động như trên.
Đồng bộ giải pháp
Ông Hà Đức Trung cho rằng, biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều hơn về loại hình và tần suất, phức tạp hơn về diễn biến và nghiêm trọng hơn về hậu quả. Trước những tác động này, để bảo đảm an toàn cho Thủ đô trong mùa mưa bão, ngoài việc quan tâm đầu tư nâng cao năng lực chống lũ cho công trình đê điều và hộ đê trong mùa mưa bão, các địa phương cần thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố về xử lý các công trình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi…
Thực tế, để chủ động đối phó với các tình huống thiên tai, bão mạnh, siêu bão gây ra, nhiều địa phương cũng đã xây dựng phương án ứng phó sát với tình hình thực tế. Theo Phó Chủ tịch UBND Quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai, các kho vật tư phòng chống lụt bão của quận đã dự trữ 230m3 cát vàng, 230m3 sỏi, đá dăm, hơn 10.000 bao tải, 170 cây tre, 170 tấm phên nứa, 750m2 vải bạt…, trang bị dụng cụ đủ cho 1.000 người tham gia ứng cứu, hộ đê trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND Huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết: Huyện đã thành lập hai đại đội xung kích tập trung gồm 300 người, huy động 500 thanh niên tình nguyện, hiệp đồng đơn vị quân đội 758 người; chuẩn bị mỗi điếm canh đê các phương tiện… để sẵn sàng ứng phó sự cố đê điều. Bên cạnh đó, huyện đã giao các xã ven đê tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Đạc khẳng định: Huyện cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị hộ đê, phòng chống lụt bão. Các xã, thị trấn đang đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ công trình đê điều, phòng chống thiên tai…
Việc chủ động chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố đê điều là bước đi vô cùng quan trọng trong công tác này. Trong đó có việc bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện; tổ chức tập huấn, hiệp đồng, thực hành triển khai phương án xử lý sự cố do thiên tai gây ra ngay từ giờ đầu. Bên cạnh đó là thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đê và xử lý kịp thời sự cố hư hỏng… Đặc biệt, phải ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.