(HNM) - Đã có nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui, đưa ra xét xử từ nguồn tin tố giác của nhân dân gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đang có một thực tế là việc phát hiện các hành vi tham nhũng hiện nay phần nhiều bắt đầu từ các cơ quan thông tin đại chúng, từ sự phản ánh của nội bộ và một phần trong số đó là của quần chúng tự giác đấu tranh.
Quần chúng nhân dân vẫn được ví như tai, mắt trong việc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền và cán bộ đảng viên; vậy tại sao trong cuộc chiến cam go phòng chống tham nhũng (PCTN) vẫn đang thiếu vắng vai trò của người dân?
Tuyên dương thôi chưa đủ
Báo cáo mới nhất của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong 5 năm gần đây các cơ quan chức năng đã giải quyết 4.572/5.180 vụ tố cáo về tham nhũng, đã phát hiện 466 vụ việc với 727 người có hành vi tham nhũng. Đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Cùng với kết quả giải quyết các vụ việc tố cáo về tham nhũng, những năm gần đây đã có hàng trăm cá nhân, tập thể được Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN tuyên dương về thành tích này.
Tháng 3-2009, lần đầu tiên Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTN TƯ phối hợp với BCĐ TP Hà Nội tổ chức tuyên dương 10 cá nhân có thành tích PCTN là một sự khích lệ lớn đối với những người dám dấn thân vào con đường nguy hiểm cho sự công bằng, minh bạch. Từ đó, nhiều vụ việc tham nhũng trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã liên tiếp được phát giác. Có thể kể đến vụ phá rừng Khe Diên (Quảng Nam), để đưa 9 bị cáo trong vụ án này ra ánh sáng, ông Lê Phước Cẩm, một cán bộ hưu trí tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn đã phải chịu nhiều cay đắng. Gửi thư khiếu nại khắp nơi song mọi việc đều rơi vào im lặng; không đành để "máu của rừng chảy", một mình ông đã mày mò thu thập chứng cứ để làm bằng chứng và hằng ngày đều phải đối mặt với hăm dọa của những kẻ buôn lậu. Đáng buồn hơn, ông đã từng bị chi bộ của mình quy kết là gây rối, vi phạm những điều cấm của đảng viên. Tại Hà Nội, nhiều cá nhân cũng đã được vinh danh trong cuộc chiến này, như bà Nguyễn Thị Nhã (quận Thanh Xuân) tố cáo cán bộ địa chính xã nhận lót tay để làm sổ đỏ; ông Phan Huy Hóa (giám đốc Công ty TNHH Tràng Tiền, quận Hai Bà Trưng) tố giác hai cán bộ thuế đòi nhận hối lộ; ông Huỳnh Văn Trình (quận Hai Bà Trưng) người tích cực tham gia PCTN và có ý tưởng phát động phong trào "vinh danh quan chức thanh liêm và anh hùng dũng sĩ chống tham nhũng".
Đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, song có một điểm dễ nhận thấy tại tất cả các buổi tuyên dương, bên cạnh niềm vui, sự công bằng, chính nghĩa được khẳng định, các cá nhân đều tha thiết mong muốn một cơ chế bảo vệ, hỗ trợ để họ không đơn độc trong cuộc đấu tranh này.
Vẫn thiếu cơ chế bảo vệ
Thiếu cơ chế bảo vệ, phải chăng đây là một nguyên nhân khiến số lượng người dân tham gia phát hiện các vụ án tham nhũng vẫn ít hơn so với số lượng các vụ án đã được phát hiện? Mặc dù, quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng của công dân đã được ghi nhận trong luật. Điều 6, Luật PCTN (sửa đổi) chuẩn bị được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới cũng một lần nữa khẳng định, công dân có quyền, nghĩa vụ phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
Tại dự thảo luật, vấn đề bảo vệ, khen thưởng người tố cáo cũng được đề cập khá chi tiết. Theo đó, người tố cáo, người thân thích của người tố cáo về hành vi tham nhũng sẽ được Nhà nước bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, uy tín, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm và các quyền nhân thân khác. Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm quyền và lợi ích của người tố cáo tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện thông qua một cơ chế hoạt động cụ thể của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giúp cho người tố cáo không bị mua chuộc, khống chế, bị đe dọa, trả thù để họ có thái độ hợp tác tích cực, khai báo khách quan, trung thực và chính xác với cơ quan, người có thẩm quyền. Song song với đó, cần phải có chế tài đối với hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, trong đó cần lưu ý hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, xử lý hình sự đối với những người có hành vi này. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", người dân có trăm tay nghìn mắt, tường tận mọi điều, thiết nghĩ, nếu biết khơi gợi, tận dụng khả năng phát hiện, tố cáo của nhân dân và có cơ chế bảo vệ, chắc chắn việc PCTN sẽ thu được hiệu quả cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.