Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tham nhũng: Nhìn từ các phiên tòa...

An Trân| 23/07/2011 06:25

(HNM) - Hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử thời gian qua. Từ quá trình xét hỏi, tranh tụng tại tòa, các sai phạm dần được bóc tách, làm rõ… và đây là những bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế.


Bài học về buông lỏng quản lý

Số tiền hàng trăm tỷ đồng trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Ngân hàng BIDV Đông Đô do bị cáo Trần Lệ Thủy, nguyên là cán bộ ngân hàng chủ mưu cùng 10 đồng phạm khác gây ra đã khiến không ít người bàng hoàng, gây dư luận xấu trong xã hội về hoạt động của ngành ngân hàng. Với mức thu nhập bình quân khoảng 1.100 USD/năm của đại đa số người dân Việt Nam tính đến cuối năm 2010 thì số tiền trên quả là ngoài sức tưởng tượng.


Nguyên Phó Giám đốc BIDV Đông Đô cùng các bị cáo tại phiên tòa.


7/11 bị cáo của vụ án nguyên là cán bộ công tác trong ngành ngân hàng đã dùng thủ đoạn gửi một số lượng tiền vào ngân hàng, sau đó lấy giấy chứng nhận tiền gửi để sửa chữa, tráo đổi, nâng khống số tiền gửi. Trên cơ sở đó, các bị cáo lại tiếp tục ký khế ước vay tiền của các ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 174 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV Đông Đô. Phiên tòa xét xử sơ thẩm đã kết thúc với án tù chung thân cho kẻ chủ mưu. Song với tuyên án của HĐXX buộc Ngân hàng VCB Thành Công và VCB Việt Nam phải liên đới, có trách nhiệm bồi thường 50% số tiền thiệt hại trong vụ án (khoảng 48 tỷ đồng) cho Ngân hàng BIDV Đông Đô do buông lỏng công tác quản lý cán bộ chắc hẳn sẽ là bài học đắt giá đối với các ngân hàng nói chung.

Bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Trần Văn Khánh và đồng bọn bằng thủ đoạn gian dối về số lượng nhập mua và ghi lùi thời gian mua, bán hàng hóa trong hợp đồng để tạo chênh lệch giá đã bòn rút hơn 1,6 tỷ đồng của Nhà nước. Ngoài ra, bị cáo Khánh đã dùng tiền công quỹ mua ô tô Mercedes S420 giá 100.000 USD. Sau đó chỉ đạo phòng hành chính, kế toán làm thủ tục thuê lại chiếc xe này với giá 48 triệu đồng mỗi tháng. Tổng số tiền ông Khánh chiếm đoạt của Nhà nước trong phi vụ trên được xác định là hơn 1,1 tỷ đồng. Với những sai phạm như trên, song phiên tòa xét xử Trần Văn Khánh đã từng phải dừng và tuyên trả hồ sơ, bởi theo luật sư bào chữa cho bị cáo thì hành vi trên đã bị Bộ NN&PTNT xử phạt hành chính, và: "một hành vi không thể xử lý hai lần".

Tại phiên tòa mới được đưa ra xét xử, trong bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT, Bộ CA cho biết, quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo với ông Khánh của Bộ NN&PTNT chỉ là quyết định hành chính, chưa xem xét cụ thể hành vi trực tiếp gây thiệt hại cho cơ quan của từng cá nhân tại Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp và chưa có quyết định xử lý buộc cá nhân bồi thường cho Nhà nước do vi phạm gây ra. Rõ ràng, ở vụ án này, nhiều tỷ đồng của Nhà nước đã bị thất thoát và sử dụng không đúng mục đích, song trong các quyết định xử lý kỷ luật của mình, phải chăng sai phạm của các bị cáo chưa được Bộ NN&PTNT nhìn nhận đúng đắn?

Có hay không việc "giơ cao đánh khẽ"?

Trong tháng 7 này, hai phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng gồm nguyên Tổng Giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng và Trần Lệ Thủy với hàng loạt sai phạm nhằm chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng của các ngân hàng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Có một điểm giống nhau giữa hai vụ án là khi đưa ra xét xử, các bị cáo đều bị VKS truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng bị cáo Trần Lệ Thủy còn bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, cả hai bị cáo đều được thay đổi tội danh. Tại vụ án PMU 18, bị cáo Bùi Tiến Dũng đã được đại diện VKS đổi tội danh truy tố từ "tham ô tài sản" sang "tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" với mức án 7 năm tù. Còn Trần Lệ Thủy và hai bị cáo khác, HĐXX đã nhận định việc truy tố các bị cáo về tội danh "tham ô tài sản" là không đủ cơ sở. Với việc giả mạo giấy tờ có giá để vay và chiếm đoạt tiền ngân hàng, HĐXX cho rằng trong trường hợp này cần chuyển sang tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thoát án "tử hình" cho tội "tham ô tài sản", bị cáo Thủy đã bị tuyên phạt án tù chung thân.

Việc thay đổi tội danh tại các phiên tòa hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt. Nhưng với hai vụ án được đặc biệt quan tâm như PMU 18 và Trần Lệ Thủy, việc thay đổi tội danh đã dẫn tới nhiều luồng dư luận khác nhau. Dưới sự nhìn nhận của các luật sư, những nhà làm luật, việc thay đổi tội danh tại các phiên tòa trên là một minh chứng thuyết phục trong thực hiện cải cách tư pháp. Thay vì "án tại hồ sơ" như suy nghĩ của nhiều người, quá trình tranh tụng tại phiên tòa đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà trong quá trình điều tra, hoàn tất hồ sơ các cơ quan tố tụng chưa xem xét hết. Qua tranh tụng, bản chất vụ án đã được soi rọi giúp HĐXX đưa ra những phán quyết đúng đắn, chính xác, tránh bỏ lọt tội phạm cũng như không để xảy ra trường hợp oan sai.

Song với không ít người dân, khi biết tội danh và các mức án đưa ra đều "nhẹ" hơn so với trước đó đã đặt câu hỏi: "có hay không việc giơ cao đánh khẽ"? Lý do người dân đưa ra cũng không phải không có lý bởi hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước cũng chính là tiền thuế do nhân dân đóng góp. Và mức hình phạt đó liệu đã đủ sức răn đe cho những ai chuẩn bị "nhúng chàm"...?

Chống tham nhũng chắc chắn sẽ là một cuộc chiến lâu dài, đầy chông gai mà ở đó cần phải có những giải pháp đồng bộ. Nhưng, có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi: Mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý công minh, mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tham nhũng: Nhìn từ các phiên tòa...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.