(HNM) - Ngày 9-12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức tọa đàm
Nhận thức phải trở thành hành động
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh: Trong những năm qua, với sự chung tay của cả khu vực công, tư, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tham nhũng; đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào công tác PCTN.
Một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác này là Học viện An ninh nhân dân. Từ năm 2008, nội dung PCTN đã được học viện nghiên cứu và đưa vào giảng dạy. Cụ thể, nội dung PCTN thuộc môn học Bảo vệ an ninh kinh tế có thời lượng 18 tiết (gồm 10 tiết lý thuyết; 2 tiết thảo luận; 1 tiết xem phim và 4 tiết báo cáo thực tế). Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân đánh giá: "Việc tổ chức giảng dạy nội dung PCTN luôn thu hút được sự quan tâm của học viên. Đa số học viên nhận thức tốt và thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân về PCTN, vận dụng được kiến thức về PCTN ở nhà trường để tuyên truyền cho gia đình, bạn bè cũng như nắm vững các kỹ năng cơ bản trong tổ chức phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng để phục vụ công tác sau này".
Diễn giả trình bày tham luận tại cuộc tọa đàm. Ảnh: VOV |
Đáng chú ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xây dựng bộ "Quy tắc ứng xử phòng, chống tham nhũng", gồm các cam kết mang tính tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức nhằm đưa ra những chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử trong hoạt động; tuyên bố chính thức về giá trị cốt lõi và ứng xử của doanh nghiệp, tổ chức… Nhờ đó, đã có 50% doanh nghiệp có các quy định cụ thể về mua sắm đấu thầu; 61% doanh nghiệp có các quy định về thưởng do ký kết được hợp đồng; 72% doanh nghiệp có các quy định kỷ luật nhân viên nếu có hành vi trục lợi bất chính. VCCI còn xây dựng bộ quy tắc ứng xử và xây dựng chương trình liêm chính cho các doanh nghiệp tại 5 thành phố trực thuộc TƯ...
Bên cạnh đó, đã có nhiều dự án từ chương trình sáng kiến PCTN (VACI) mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là dự án "Giảng đường tươi đẹp" của thầy trò Học viện Báo chí và Tuyên truyền - một trong 34 đề án đã đoạt giải trong cuộc thi "Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011". Với cách tiếp cận nhẹ nhàng, dự án "Giảng đường tươi đẹp" không lên án hay tố cáo hiện tượng tham nhũng mà chỉ đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp trong mối quan hệ giữa thầy và trò, tiến tới thực hiện bộ quy tắc "Ứng xử chuẩn mực giữa thầy và trò trong giảng đường đại học". Hiện, dự án được nhân rộng tới các trường: Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn; Đại học Bách khoa Hà Nội… Các hoạt động của dự án cũng thu hút được đông đảo người dân cả nước tham gia.
Vì sao người dân chưa sẵn sàng tố cáo tham nhũng
Những nỗ lực từ việc huy động sự tham gia của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân vào công tác PCTN đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song vẫn chưa như mong muốn. Ngay trong việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại Học viện An ninh nhân dân cũng chưa được bố trí thành một môn học riêng. Chưa kể, hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và đội ngũ giáo viên giảng dạy nội dung PCTN còn thiếu… Theo bà Đào Nga, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch: Bản chất tham nhũng là "giấu mặt" và phức tạp. Do đó, không thể chỉ dựa vào bộ máy nhà nước để PCTN. Nghiên cứu quốc tế cho thấy, tăng cường sự tham gia của người dân trong PCTN là phương pháp hiệu quả nhất đối với những nước mà nền quản trị còn yếu. Tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý cho sự tham gia của người dân vào PCTN đã khá đầy đủ với các chiến lược, luật, nghị định… Tuy nhiên, bà Đào Nga cho rằng: "Trên thực tế, người dân chưa thực sự sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Nguyên nhân là do các quy định về bảo vệ người tố cáo còn chung chung, khó thực hiện. Người dân còn e ngại và không tố cáo vì không tin tưởng hoặc sợ bị trả thù". Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, một số nước trên thế giới đã bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng bằng nhiều hình thức như: Thưởng tiền cho người tố cáo, bảo vệ người tố cáo và cả người thân của họ… Việt Nam có thể tham khảo.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, người dân có thể tham gia PCTN dưới nhiều hình thức như: Tố cáo các hành vi tham nhũng; giám sát và giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; đóng góp ý kiến xây dựng luật pháp, chính sách; tham gia vận động, tuyên truyền; khuyến khích bạn bè, người thân thực hành liêm chính; không tham gia vào các hành vi tham nhũng và không tư lợi… Tuy nhiên, để người dân tích cực tham gia PCTN, các cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều biện pháp.
Đồng tình quan điểm này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, nhận thức về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong PCTN đã tăng lên đáng kể. Nhân dân giờ đây không còn thụ động, e ngại, chỉ ngồi quan sát và bình luận về những gì các cơ quan nhà nước đang làm, mà đã thực sự chủ động tham gia tích cực vào những nỗ lực PCTN chung của cả hệ thống chính trị bằng những hành động thiết thực và có tính lan tỏa cao. Nhiều vụ việc sai phạm đã được xử lý nghiêm từ sự tham gia tích cực của người dân, báo chí. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát huy hơn nữa vai trò của người dân, của các thành phần trong xã hội trong PCTN. Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật, chính sách, pháp luật về PCTN; thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ chế giám sát, phản biện, tham gia vào hoạch định chính sách của người dân. Theo người đứng đầu ngành thanh tra, cần tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Đặc biệt cần phải xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không có "vùng cấm" trong PCTN...
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Ban hành thông tư khen thưởng người tố cáo trong tháng 12-2014 PCTN là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và đặc biệt là vai trò của xã hội, của công chúng, của báo chí và của người dân. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN sửa đổi năm 2012, trong đó có quy định một số điều về khuyến khích và bảo vệ người tố cáo, đặc biệt là khen thưởng người tố cáo. Cùng với đó, trên cơ sở Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, năm 2012, Ban Chỉ đạo PCTN TƯ đã chỉ đạo tiếp tục bổ sung, điều chỉnh nâng mức khen và thưởng đối với người tố cáo. Hiện Thanh tra Chính phủ cùng Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính dự thảo và dự kiến, trong tháng 12-2014 sẽ ban hành thông tư khen và thưởng người tố cáo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.