(HNM) - Tham nhũng luôn là vấn đề bức xúc, nhức nhối trong xã hội, trong khi công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, nhất là ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng...
Anh Vũ Đình Hoàng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy): Phải tạo niềm tin cho người chống tiêu cực
Theo tôi Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích người dân tham gia chống tham nhũng và đặc biệt phải có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố cáo. Người tố cáo đúng phải được khen thưởng kịp thời, người tố cáo sai phải chịu chế tài xử phạt. Trên thực tế, rất hiếm các cơ quan, tổ chức tự phát hiện tham nhũng của đơn vị mình, nếu phát hiện cũng lại chỉ xử lý nội bộ, "giơ cao, đánh khẽ". Trong khi đó, người tố cáo và người thân của họ thường xuyên phải đối mặt với sự trả thù của người bị tố cáo hoặc sau tố cáo họ bị cô lập, đơn độc, bị coi như kẻ phá hoại đoàn kết nội bộ… Chưa kể, khi làm việc với các cơ quan chức năng về những nội dung tố cáo, họ cũng phải chịu không ít áp lực bởi các thủ tục hành chính. Do vậy, nếu không vì quyền lợi cá nhân thì hầu như không ai muốn đấu tranh. Điều này đã làm thui chột ý thức chống tiêu cực của mỗi người, lâu dần làm cho cả cộng đồng thờ ơ với việc chống tham nhũng. Theo tôi, chính các cơ quan chức năng phải thể hiện trước tiên trách nhiệm của mình, phải có hành động cụ thể để bảo vệ người tố cáo… Tôi tin rằng, khi người chống tiêu cực được bảo vệ, chắc chắn họ sẽ có niềm tin để vạch trần tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.
Ông Trần Hùng (phường La Khê, quận Hà Đông): Xử lý nghiêm nạn tham nhũng "vặt"
Trong một hai năm vừa qua nhiều vụ tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng; các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng đã bị xử lý thích đáng, lòng tin của nhân dân được củng cố, song các vụ án tham nhũng chủ yếu ở tầm vĩ mô. Điều mà người dân quan tâm nhất bây giờ là nạn tham nhũng "vặt" ở ngay cơ sở, như tình trạng "bôi trơn" hoặc "lót tay". Thế nhưng, tôi chưa thấy những vụ tham nhũng "vặt" nào được phanh phui, xử lý nghiêm, mặc dù nó xảy ra mọi lúc, mọi nơi và ít nhiều làm giảm lòng tin của người dân với tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức. Ðể cuộc đấu tranh PCTN có sự chuyển biến rõ rệt hơn trong thời gian tới, theo tôi khi đã phát hiện tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh trước luật pháp, không kể ở cấp nào, số tiền, tài sản tham nhũng ít hay nhiều, đặc biệt là không thể có ngoại lệ.
Ông Đinh Văn Chiến (Chánh Thanh tra huyện Thạch Thất):Phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức
Nhiều vụ việc sau khi được thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm, từ đó các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng… Tuy nhiên, vấn đề hạn chế là quá trình thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng, vi phạm hình sự, thường chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn "phong tỏa" kịp thời khối tài sản của người có hành vi tham nhũng. Do đó người vi phạm có thể tẩu tán tài sản, "sang tên" cho người khác. Đến khi vụ án được xử lý bằng pháp luật hình sự, quy kết trách nhiệm về hành vi tham nhũng thì Nhà nước khó có thể thu lại được tài sản đã bị thất thoát.
Ví dụ như các vụ ở Vinashin, Vinalines… khó có thể thu hồi đủ số tiền Nhà nước đã thất thoát… Thiết nghĩ, cần có quy định, chế tài kiểm soát, phong tỏa, kê biên tài sản của người liên quan ngay từ khi phát hiện vụ việc tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, quá trình điều tra cần làm rõ tài sản hình thành từ thời gian nào, đang ở đâu, tẩu tán vào thời điểm nào?... Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là Nhà nước kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Trần Văn Minh (đường Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm): Nếu xử lý nghiêm minh thì không thể có vùng cấm
Mới đây nhất, báo chí trong và ngoài nước đề cập đến nghi vấn nhận hối lộ tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với số tiền lên đến hơn 16 tỷ đồng. Về vụ việc này, một số cán bộ liên quan đã bị bắt tạm giam. Có thể nói, vụ việc trên không chỉ làm dư luận bất bình mà còn gây mất lòng tin đối với bạn bè quốc tế. Do vậy, rất cần các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, khi đã phát hiện vi phạm về tham nhũng phải xử lý thật kiên quyết, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm. Tôi rất tâm đắc nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN: "Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ…".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.