(HNM) - Những năm gần đây, ma túy và các chất gây nghiện xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, len lỏi vào học đường, khiến tỷ lệ người trẻ sử dụng ma túy có xu hướng tăng, gây ra những thiệt hại lớn. Vì thế, các cơ quan chức năng đã, đang đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy học đường để bảo vệ thế hệ tương lai.
Cảnh báo ma túy vào học đường
Trong các chương trình giáo dục chính khóa, cũng như ngoại khóa, các nhà trường luôn quan tâm tuyên truyền về tác hại của ma túy học đường và những hệ lụy khôn lường khi người trẻ sử dụng ma túy. Đó là, bản thân người sử dụng ma túy bị suy giảm nghiêm trọng về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, chức năng thải độc gan, dẫn đến suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.
Ngoài ra, ma túy còn gây tổn hại về thần kinh với cá nhân người sử dụng, biểu hiện rõ nhất là chứng loạn thần, “ngáo đá”. Còn gia đình và xã hội mất đi những thành viên tốt, công dân tốt, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Về mặt kinh tế, hằng năm, nhà nước, gia đình và cộng đồng còn phải tiêu tốn rất nhiều tiền để phòng, chống ma túy, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy biểu hiện ngày càng phức tạp.
Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo, nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên. Gần đây còn có tình trạng mua, bán ma túy qua mạng xã hội hoặc theo hình thức bán đa cấp, lợi dụng chính học sinh, sinh viên nghiện ma túy là người bán hàng. Hình thức này rất nguy hiểm, vì có thể phát tán nhanh, khiến nhiều người trẻ trở thành nạn nhân.
Trên thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ việc học sinh, sinh viên sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy. Chẳng hạn, cuối tháng 2-2021, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện 11 trường hợp trong quán karaoke ở thành phố Đông Hà dương tính với ma túy, trong đó có nhiều người đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở thành phố Đà Nẵng. Vụ việc khác gây hoang mang dư luận xã hội là 4 học sinh một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút.
Mới đây nhất, tại Hà Nội, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường Chùa Bộc (quận Đống Đa), lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát hiện hai nữ sinh tàng trữ trái phép chất nghi là cần sa. Qua thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp, danh tính hai đối tượng này là Vũ Thị Khánh Linh, sinh viên Học viện Tài chính và Lê Thị Thu Hằng, sinh viên Trường Đại học Lao động xã hội. Cả hai đến từ thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa)...
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, thống kê của Bộ Công an cho thấy, 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống ma túy học đường, bắt đầu từ cơ sở.
Nỗ lực ngăn chặn
Để bảo vệ thế hệ tương lai trước hiểm họa ma túy, những năm qua, Công an thành phố Hà Nội luôn sát cánh cùng các nhà trường, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm về sử dụng trái phép các chất ma túy trong khu vực xung quanh trường học, quán bar, karaoke, vũ trường, tạo thành “pháo đài” ngăn chặn ma túy vào học đường.
Cùng với công tác tuyên truyền, ngành Giáo dục Thủ đô đang nghiên cứu để xây dựng dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa.
Anh Nguyễn Văn Hoàn, có con đang học tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội, nòng cốt là gia đình. Các gia đình sẵn sàng phối hợp với nhà trường theo sát con em mình, tránh để các cháu tiếp xúc với ma túy. Vì thế, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy là giải pháp khả thi trong phòng, chống ma túy học đường.
Dưới góc độ quản lý về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Phùng Quang Thức cho rằng, với thế hệ trẻ, tình cảm gia đình, môi trường xã hội lành mạnh chính là “lưới” bảo vệ họ trước hiểm họa ma túy. Vì vậy, ngoài những hoạt động thường xuyên, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021, các ngành, địa phương thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động, nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy theo hình thức trực tuyến và qua các phương tiện truyền thông.
Cùng với đó, mạng lưới 579 Đội công tác xã hội với hơn 4.000 tình nguyện viên ở cấp cơ sở tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền linh hoạt, phong phú, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, lứa tuổi của từng đối tượng, ưu tiên tuyên truyền đến nhóm học sinh, sinh viên thuộc diện có nguy cơ cao, giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, chủ động tránh xa ma túy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.