(HNM) - Mặc dù chưa phát hiện ổ dịch tai xanh nào ở lợn, nhưng trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía bắc và miền Trung, TP Hồ Chí Minh cũng đang ráo riết đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, nhằm ngăn chặn nguồn bệnh phát sinh.
Quầy bán thịt lợn tại chợ Tân Bình. |
Chưa xuất hiện nguy cơ
Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 800 đến 900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, trong đó thịt lợn chiếm lượng khá lớn. Chỉ tính riêng số lượng lợn được giết mổ mỗi ngày tại thành phố đã lên đến trên 7 nghìn con, đó là chưa kể nguồn thịt lợn nhập về từ các tỉnh, thành khác. Theo thống kê của Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.200 đến 1.400 con lợn được giết mổ từ các tỉnh, thành khác đưa vào. Điều này cho thấy, nguy cơ nguồn bệnh từ các vùng dịch đưa về thành phố không nhỏ. Tuy nhiên, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho biết, trong số 2 chợ đầu mối có lượng tiêu thụ thịt lợn lớn nhất là chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh) và chợ Tân Xuân (huyện Hóc Môn) thì chỉ có chợ Bình Điền chiếm trên 60% lượng thịt lợn nhập từ các địa phương khác; còn chợ Tân Xuân chủ yếu tiêu thụ thịt lợn giết mổ tại thành phố. Nếu như trước thời điểm bùng phát dịch tai xanh ở lợn tại các tỉnh phía bắc, mỗi ngày số lượng lợn giết mổ từ các địa phương khác đưa về chợ Bình Điền tiêu thụ lên đến trên 22 nghìn con thì nay đã giảm xuống còn chưa đầy 19 nghìn con/ngày. Một điều đáng ghi nhận nữa là lượng thịt lợn ở thành phố nhập từ các tỉnh phía bắc về trong thời gian diễn ra dịch tai xanh giảm từ 3,08% xuống còn 2,11%. Điều này cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý rất chặt nguồn thịt lợn từ các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phía Bắc.
Riêng nguồn thịt lợn được giết mổ tại thành phố, các ngành chức năng có thể yên tâm phần nào về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi hiện nay 29 cơ sở giết mổ trên địa bàn đều có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được thanh tra, kiểm tra thường xuyên. "Công tác giám sát, kiểm tra thịt lợn nhập từ các địa phương khác vào thành phố được thực hiện tương đối triệt để. Bất kỳ lô hàng nào, chỉ cần một con lợn được phát hiện dương tính với bệnh tai xanh thì toàn bộ lô hàng đó sẽ bị tiêu hủy. Đối với nguồn thịt lợn được đưa vào từ các tỉnh phía bắc, dù có giấy kiểm dịch vẫn kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm. TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra lộ trình cắt giảm các cơ sở kinh doanh giết mổ, giúp công tác quản lý được sâu sát, góp phần khống chế dịch bệnh" - ông Phan Xuân Thảo cho biết.
Vẫn còn "hiểm họa"
Hiện nay, thịt lợn được bày bán tại một số chợ tự phát, lòng lề đường trên địa bàn thành phố thường có giá thấp hơn so với các chợ chính thống. Điều này đã khiến các cơ quan chức năng tỏ ra e ngại trước khả năng nguồn thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn vào các chợ này, dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch tai xanh. Bởi hiện nay, ngoài 313 chợ chính thống, có niêm yết, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm được bày bán thì TP Hồ Chí Minh còn có hàng trăm chợ tự phát mà lực lượng chức năng khó có thể kiểm tra. Lâu nay, việc kiểm tra các loại gia súc, gia cầm bày bán ở những "chợ trời", chợ tự phát… được giao cho địa phương, nhưng lực lượng này vừa thiếu lại vừa yếu nên không đủ sức xử lý. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng, một số thương lái vì hám lợi đã mua lợn ở những vùng dịch, rồi xin thủ tục kiểm dịch ở một địa phương không nằm trong vùng dịch để dễ dàng trong việc vận chuyển vào thành phố.
Theo ông Phan Xuân Thảo, cách phòng chống dịch bệnh tốt nhất hiện nay là phải chủ động, làm sao bảo đảm cho gia súc luôn khỏe mạnh. Do đó, TP Hồ Chí Minh đã tập trung hỗ trợ công tác tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng để bảo đảm sức khỏe gia súc. Để làm tốt điều này cũng cần có sự hợp tác của người chăn nuôi, thực hiện tốt công tác tiêm phòng, khai báo kiểm dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.