(HNM) - Đầu tháng 9 này, học sinh, sinh viên tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ bắt đầu bước vào năm học mới. Khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu của các trường học trong mùa khai giảng năm nay là bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên cùng với thực hiện các biện pháp dạy và học hiệu quả.
Học trực tuyến vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các nước trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang được duy trì để bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, nhất là khi các trường học chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như phương thức tổ chức lớp học trực tiếp bảo đảm an toàn.
Theo thông báo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, học sinh tại thủ đô Seoul và một số khu vực lân cận đã bắt đầu học trực tuyến trở lại từ ngày 25-8 sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan trong môi trường học đường. Biện pháp này được áp dụng với mọi cấp học, trừ học sinh lớp 12 sắp tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học vào cuối năm. Đây cũng là hình thức được cân nhắc lựa chọn đối với các trường có đông sinh viên nước ngoài khi họ chưa thể quay lại trường do sự gián đoạn của các chuyến bay quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại việc không được đến trường sẽ làm thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế các giao tiếp, kết nối xã hội và tác động tiêu cực tới tâm lý của học sinh. Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những nhà lãnh đạo tích cực nhất trong việc hối thúc trường học mở cửa trở lại trong kỳ học mới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ban hành hàng loạt hướng dẫn mở cửa trường học an toàn trong mùa dịch, mới đây nhất là khuyến khích các trường hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo địa phương và giới chức y tế nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm trong khuôn viên trường. Thay vì đóng cửa ngay lập tức trong thời gian dài, CDC đưa ra lựa chọn là tạm dừng lớp học trong ngắn hạn và hủy bỏ các sự kiện, hoạt động sau giờ học, để cơ quan y tế có thời gian xác định mức độ lây nhiễm.
Một số quốc gia châu Âu hiện đã công bố kế hoạch khai giảng vào tháng 9 với chủ trương tạo điều kiện tối đa cho việc học trực tiếp trong năm học 2020-2021. Giải pháp được đưa ra là tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường, như bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giảm số lượng học sinh trong mỗi phòng học, sử dụng tấm chắn chống giọt bắn...
Tại Pháp, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer cho biết, thời điểm khai giảng năm học mới vào ngày 1-9 vẫn được duy trì và các biện pháp ứng phó nguy cơ lây lan sẽ được tăng cường. Trong khi đó, nhiều trường học tại Italia đã chia nhỏ bàn ghế dài thành bàn ghế đơn nhằm bảo đảm quy định giãn cách xã hội.
Mặc dù vẫn còn sự tranh cãi giữa việc quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học hay trở lại trường, ngày 24-8 vừa qua, Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Bill de Blasio đã thông báo kế hoạch khuyến khích việc học ngoài trời khi học sinh tựu trường vào tháng 9. Ý tưởng này cũng đang được nhóm các nhà hoạt động giáo dục Green Schoolyards America của Mỹ ủng hộ, vì khắc phục được những hạn chế của hình thức học trực tiếp trong mùa dịch.
Đề cập về những tác động của dịch Covid-19 tới giáo dục, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lo ngại nhân loại đang phải đối mặt với “thảm họa thế hệ”, có thể lãng phí tài năng con người, hủy hoại hàng thập kỷ tiến bộ và khiến sự bất bình đẳng thêm trầm trọng.
Giáo dục là một trong những lĩnh vực then chốt cho sự phát triển dài hạn. Bởi vậy, việc bảo đảm hoạt động này được duy trì hiệu quả và an toàn luôn cần được đặc biệt chú trọng, nhất là khi đại dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt trong nhiều tháng tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.