(HNMO) - Hiện nay, các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đang tập trung tái đàn vật nuôi để đủ nguồn cung phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như thời tiết diễn biến bất thường, kiểm soát vận chuyển khó khăn nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm là rất lớn. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thành phố Hà Nội triển khai là tổ chức giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở, hộ chăn nuôi...
Từ nguy cơ dịch bệnh…
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi của 268 xã thuộc 95 huyện của 29 tỉnh, thành phố với số lợn tiêu hủy là 15.769 con.
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, thời gian tới, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có thể tiếp tục xảy ra, nhất là chăn nuôi nông hộ.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, hiện tại dịch bệnh vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các địa phương là do tình trạng kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định, thậm chí nhiều nơi giết mổ gia cầm ngay ở các chợ dân sinh. Không ít tỉnh, thành phố chưa có những cơ sở, điểm giết mổ bảo đảm quy định nên khó kiểm soát trước và sau khi giết mổ, làm phát tán dịch bệnh...
Ở góc độ địa phương, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra lẻ tẻ trên địa bàn thành phố với các bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi... Bệnh Dịch tả lợn châu Phi không xảy ra dịch lớn, song gần đây đã xuất hiện trở lại ở một số huyện như: Chương Mỹ, Đông Anh, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hà Nội còn chiếm tới 60% nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, chưa kể, Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ thủ công trong khu dân cư. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh rất cao từ các nơi về cũng như trên địa bàn thành phố.
Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Chương Mỹ Hoàng Lê Đại Thắng cho rằng, nguyên nhân xảy ra ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại một số xã ở huyện Chương Mỹ mới đây là do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng, sử dụng thức ăn thừa, chưa thực hiện tốt việc khai báo khi nhập đàn, tái đàn và người dân chủ quan với dịch bệnh.
Như vậy có thể thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là các địa phương, người chăn nuôi cần quyết liệt các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
… đến giải pháp phòng tránh
Thời điểm hiện tại có ý nghĩa quan trọng trong chăn nuôi để giữ và tăng tổng đàn, cung cấp nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm thiệt hại kinh tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y; đồng thời theo dõi chặt chẽ, giám sát dịch bệnh ngay từ hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan.
Mặt khác, các cơ quan chức năng của địa phương cần hướng dẫn thú y cơ sở cũng như người chăn nuôi theo dõi đàn gia súc, gia cầm; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin, ngành Nông nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Từ nay đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện 2 đợt tiêu độc môi trường; đồng thời duy trì hoạt động 5 chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm vào thành phố, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, đặc biệt là kiểm soát các cơ sở giết mổ lớn như: Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); Hải Bối, Minh Hiền (huyện Thanh Oai)…
Vấn đề cốt lõi là người chăn nuôi cùng vào cuộc, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh. Bà Trần Thanh Hiền (ở xã Thụy An, huyện Ba Vì) cho biết: “Hiện nay, với quy mô tổng đàn 1.000 con gia cầm, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, trang trại đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định… Tôi cũng mong muốn các trang trại, gia trại cùng chung sức bảo vệ đàn vật nuôi để dịch bệnh không phát sinh và lây lan ra diện rộng”.
Với những giải pháp cụ thể cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.