Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Hạn chế từ… ý thức

Ngọc Quỳnh| 13/01/2014 06:23

(HNM) - Năm 2013, mặc dù dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của cả nước đã giảm mạnh nhưng vẫn còn xuất hiện nhỏ lẻ ở một số địa phương.

Phun thuốc phòng dịch tại chốt kiểm dịch động vật Ba La, Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt


Tại Hà Nội trong năm 2013 tình hình dịch bệnh nhìn chung đã được kiểm soát chỉ tái phát một số ổ dịch nhỏ lẻ vào quý I nhưng được phát hiện và khống chế kịp thời. Tuy nhiên, theo ông Cấn Xuân Bình - Chi cục phó phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC vẫn gặp nhiều khó khăn do một số ban thú y cơ sở chưa tranh thủ được sự chỉ đạo, đầu tư của chính quyền địa phương. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin toàn thành phố đạt yêu cầu nhưng chưa đồng đều giữa các huyện cũng như các xã, thị trấn trong một huyện. Nguyên nhân một phần do công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở chưa sát sao, nhận thức của hộ chăn nuôi còn hạn chế, chưa thấy được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tiêm phòng. Tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng cũng còn thấp, chủ yếu là do khâu bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm phòng, kỹ thuật lấy và bảo quản mẫu. Việc quản lý kiểm dịch - kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật diễn ra phức tạp, lộn xộn... cũng gây khó khăn cho công tác quản lý giám sát dịch bệnh.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cộng với thời tiết diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho các loại vi rút gây bệnh phát triển. Chi cục Thú y Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của thành phố, các quận, huyện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trên 3 lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch - kiểm soát giết mổ - vệ sinh thú y, quản lý thuốc, vật tư thú y. Để kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn GSGC, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương quản lý, giám sát dịch bệnh có hiệu quả ngay từ thôn, xóm đến hộ chăn nuôi; phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý triệt để ngay từ đầu không để dịch lây lan rộng; lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất để dự báo sớm dịch bệnh; đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn GSGC đạt tỷ lệ trên 85% tổng đàn, trong đó các loại vắc xin dại, lở mồm long móng gia súc và cúm gia cầm bảo đảm tỷ lệ trên 90% đối tượng tiêm. Ngoài các đợt tiêm phòng đại trà, hằng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung, quản lý giám sát chặt chẽ việc cấp phát và sử dụng vắc xin. Tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh môi trường định kỳ và đột xuất, đặc biệt đối với các nơi nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở giết mổ, chế biến…

Trong thời điểm này, việc tăng cường kiểm soát việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật bảo đảm ATVSTP là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần từng bước trang bị các phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kiểm tra nhanh các chỉ tiêu ATVSTP, đặc biệt tại các quận nội thành.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2013, về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, song dịch cúm gia cầm A/H5N1 vẫn xảy ra tại 50 xã, phường của 23 huyện, quận thuộc 7 tỉnh, làm 59.829 con gia cầm mắc bệnh, 79.522 con gia cầm chết, phải tiêu hủy; dịch lợn tai xanh đã xảy ra tại 168 xã, phường của 46 huyện, quận thuộc 13 tỉnh, tổng số lợn mắc bệnh 38.532 con, số lợn phải tiêu hủy là 18.452 con; dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại 145 xã của 44 huyện thuộc 9 tỉnh, tập trung vào các tỉnh Bắc Trung bộ, số gia súc mắc bệnh là 5.648 con, tiêu hủy là 1.193 con. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Hạn chế từ… ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.