Không ít người lớn cho rằng, vào mùa hè, thời tiết ấm áp, sức đề kháng của trẻ tốt hơn nên trẻ không có nguy cơ bị viêm phổi.
Nhưng thực tế, ngay cả trong mùa hè, trẻ hoàn toàn có nguy cơ bị viêm phổi nếu các bậc cha mẹ không biết cách gìn giữ cho con trong thói quen ăn uống, sinh hoạt, vui chơi... Cũng vì cha mẹ chủ quan và nhận thức sai lầm, bỏ qua các dấu triệu chứng ban đầu của bệnh mà đã có không ít trường hợp, trẻ được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bệnh đã nặng.
Trẻ bị viêm phổi do sự chủ quan của bố mẹ
Năm nào cũng vậy, cứ đến hè là cả nhà chị Hòa (Trung Kính, Hà Nội) lại "chăm chỉ" đi bơi. Thậm chí năm nay, cô con gái 2,5 tuổi của chị cũng được bố mẹ cho đi theo để... học bơi ngay từ nhỏ.
Từ hôm các con được nghỉ hè, anh chị càng tích cực cho con đi bơi để cho khỏe người. Thậm chí có hôm, đứa con trai lớn của chị đòi bơi đến tận giữa trưa mới chịu về. Chiều đến, hai đứa trẻ lại được bố đưa đi bơi để mẹ còn ở nhà nấu cơm.
Chỉ sau một tuần đi bơi thỏa thích, cả hai đứa trẻ nhà chị Hòa đều bị viêm họng, ho. Đặc biệt, cô con gái 2,5 tuổi có dấu hiệu sổ mũi liên tục, thở khò khè, lười ăn và ho có đờm. Đến khi các con đều bị sốt cao, đưa đi khám chị Hòa mới con gái chị Hòa đã bị viêm họng, cúm và để lâu chuyển sang viêm phổi. Còn bé trai do sức đề kháng tốt hơn nên mới chỉ bị viêm phế quản. Điều đáng nói là cả hai trẻ đều bị như vậy là do liên tục được ngâm nước quá lâu mỗi ngày do đi bơi nhiều. Sau khi bơi lại không được làm khô và ấm người đúng cách nên mới dẫn đến hậu quả như vậy.
Mới 3 tuổi nhưng bé Hải (con chị Thanh ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã rất hiếu động, chỉ thích chơi những trò chơi liên quan đến chạy nhảy.
Vốn có vẻ nhanh nhẹn hơn các bạn cùng tuổi, chiều nào cũng vậy, khi trời còn chưa hết nắng, bé Hải đã đòi ông đưa ra sân chung của chung cư để chơi. Sau gần 2 tiếng đồng hồ chạy nhảy, bao giờ bé Hải cũng trở về nhà với người đầy mồ hôi. Ngay lập tức, bé lấy đồ sữa và đồ ăn trong tủ lạnh để ăn, uống. Sau đó, bé đòi mẹ cho đi tắm luôn... cho mát.
Mấy ngày đầu thấy con không có vấn đề gì dù là chơi xong rồi ăn uống đồ lạnh, sau đó đi tắm luôn nên chị Thanh cũng yên tâm, thấy con khỏe mạnh, năng động chị cũng vui mừng. Nhưng đến khi bé Hải phải nhập viện nằm điều trị do sốt cao, chị Thanh mới nhận ra sai lầm của mình khiến con bị viêm phế quản, chuyển sang viêm phổi cấp tính. Nguyên nhân chính lại là do cơ thể bé bị nhiễm lạnh vì thường xuyên ra mồ hôi mà không được lau khô, kết hợp với ăn uống đồ lạnh quá nhiều gây viêm họng kéo dài và làm cho mức độ viêm đường hô hấp ngày một nặng hơn và dẫn tới viêm phổi.
Nguyên nhân và những dấu hiệu của bệnh viêm phổi ở trẻ
Nhiễm lạnh do ngâm nước quá lâu, mồ hôi ra nhiều lại không biết làm khô người đúng cách, ăn uống đồ lạnh liên tục... là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trẻ bị viêm phổi trong mùa hè. Tuy nhiên, đó không phải là những lý do duy nhất dẫn đến các bệnh hô hấp mà trẻ thường gặp trong mùa này.
Về mùa hè, không ít gia đình có thói quen nằm điều hòa nhiệt độ cả ngày lẫn đến và nhiều người thường để chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và ngoài trời khá cao làm cho trẻ ra vào phòng bị nóng, lạnh đột ngột cũng khiến bé không kịp thích nghi nên dễ viêm đường hô hấp trên. Nếu không được chăm sóc tốt cũng có thể bị viêm phổi vì biến chứng.
Cũng có trẻ bị viêm phổi do được bố mẹ cho đi nghỉ ở biển và tiếp xúc nhiều giờ với nắng, gió trên bãi biển.
Theo bác sĩ Hà Thị Việt Hòa - Chuyên khoa 1, Phòng Khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, HN thì viêm phổi là một trong các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính (NKHHCT). NKHHCT được chia làm 2 loại: NKHHCT trên và NKHHCT dưới. NKHHCT gồm viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm VA, amiddan. NKHHCT dưới gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản và viêm phổi. Như vậy khi trẻ bị NKHHCT thường bắt đầu từ viêm mũi họng.
Mùa hè trời nóng nực, trẻ thường khát nước và thích uống nước mát có đá hoặc ăn kem lạnh. Khi sử dụng đồ ăn quá lạnh trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm họng, mũi. Biểu hiện là ho, sốt, chảy nước mũi. Bệnh sẽ tự khỏi trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên nếu trẻ có sức đề kháng kém, điều kiện vệ sinh môi trường ô nhiễm, nhà ở chật chội ẩm thấp bụi bặm, khói bếp, khói thuốc lá… đặc biệt nếu trong gia đình có người đang bị mắc bệnh NKHHCT thì trẻ rất dễ bị lây nhiễm. Nếu không có sự can thiệp kịp thời trẻ sẽ có thể chuyển thành viêm phổi.
Chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ đúng cách trong mùa hè
Cũng theo bác sĩ Hà Thị Việt Hòa – Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, để chăm sóc và phòng bệnh viêm phổi cho trẻ trong mùa hè, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng mùa hè cho trẻ cũng như môi trường và thói quen sinh hoạt:
- Cho trẻ được bú sữa mẹ, bú sớm ngay sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 tuổi để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.
- Ăn bổ sung hợp lý, thức ăn bổ sung cần đủ 4 nhóm thực phẩm (Ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả).
- Về mùa hè, cần tránh không cho trẻ ăn uống đồ lạnh, ăn quá nhiều kem và thực phẩm để lâu trong tủ lạnh.
- Nếu dùng điều hòa không nên để chế độ lạnh dưới 25 độ, để trẻ nằm hoặc chơi ở nơi thoáng mát phòng tránh ra quá nhiều mồ hôi, nếu không kịp lau khô trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh.
- Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá và than bụi trong nhà.
- Tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Đặc biệt là hoàn thành tiêm chủng trong năm đầu.
- Khi trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi cần cách ly để không lây nhiễm sang trẻ.
- Phát hiện sớm khi trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp trên như cảm lạnh, viêm mũi, họng, để xử trí kịp thời, chăm sóc tốt để ngăn ngừa bệnh chuyển sang viêm phổi.
Để trẻ luôn khỏe mạnh trong mùa hè oi bức, các bà mẹ cần chuẩn bị cho trẻ một chế độ dinh dưỡng tối ưu nhằm đáp ứng đủ lượng nước, năng lượng tiêu hao trong một ngày của trẻ, khi trẻ có sức đề kháng tốt thì các vấn đề về bệnh lý sẽ được hạn chế đến mức tối đa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.