(HNMCT) - Hỏi: Do tuổi cao lại có nhiều bệnh nền nên mỗi khi thời tiết trở lạnh, bố tôi thường bị viêm họng, ngạt mũi, cơn ho kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, khó ăn uống. Xin hỏi bác sĩ về cách chăm sóc sức khỏe người già trong mùa đông? - Nguyễn Quang Đạt
Đáp: Do người cao tuổi có sức đề kháng kém cũng như cấu trúc và chức năng đường hô hấp bị biến đổi, suy giảm do quá trình lão hóa khiến bệnh dễ nặng hơn khi bị nhiễm lạnh. Để phòng bệnh đường hô hấp, người già cần được chăm sóc và tự biết cách chăm sóc, theo dõi cơ thể. Người già cần mặc đủ ấm, ngủ ấm và tránh gió lùa vào phòng; hạn chế ra ngoài lúc sáng sớm khi trời chuyển lạnh; nếu muốn tập thể dục thì nên tập ở trong nhà, hoặc chờ đến khi nắng lên mới ra đường.
Hằng ngày, các cụ cần vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý hoặc đánh răng trước và sau khi ngủ dậy. Nếu sử dụng răng giả thì cần vệ sinh sạch sẽ, không để bám dính thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cho đường hô hấp.
Người cao tuổi nên thường xuyên tập dưỡng sinh. Tuy nhiên, nên tập khi thời tiết không quá lạnh, hoặc tập ở nơi thông thoáng nhưng phải giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, người già cần tránh tiếp xúc với bụi, khói thuốc lá, khói bếp than, khói hương... để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.
Người cao tuổi thường quên uống thuốc, bỏ thuốc do trí nhớ suy giảm. Vì vậy, người nhà cần nhắc người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc.
Người nhà cần theo dõi, đề phòng cơn hen suyễn, dị ứng của người già trở nặng, nhất là khi thay đổi thời tiết. Tránh để người già bị lạnh, ngồi điều hòa nhiều hoặc tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn
Nguyên Trưởng khoa Hô hấp Dị ứng, Bệnh viện Hữu nghị
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.