Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng “bà hỏa” thăm!

Bài và ảnh: Trần Văn| 24/02/2010 07:52

(HNM) - Vụ cháy chợ tạm Hàng Da vừa qua làm thiệt hại hàng tỷ đồng, khiến nhiều người không khỏi lo ngại, nhất là dịp đầu năm Canh Dần, lượng hàng hóa nhiều, sức mua tăng... Dạo qua một số chợ tạm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi thấy những lo ngại này là hoàn toàn có căn cứ.

Chợ tạm Hàng Da (trên phố Phùng Hưng) không bảo đảm các quy định phòng, chống cháy nổ.


Chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở, ba trung tâm mua bán sầm uất bậc nhất các quận nội thành hiện đang được cải tạo, xây dựng mới. Điều đó đồng nghĩa với việc các khu chợ tạm mọc lên như chợ tạm Hàng Da trên phố Phùng Hưng, chợ tạm chợ Mơ phố Kim Ngưu và chợ tạm Ngã Tư Sở trên đường Láng... Gọi là chợ tạm nên mọi thứ ở đây đều tạm bợ, chắp vá, lều quán, gian hàng chủ yếu làm bằng các vật liệu nhẹ như khung sắt, mái tôn, trần xốp...

Theo yêu cầu về PCCC, vách ngăn giữa các gian hàng phải được lắp đặt bằng vật liệu chống cháy, nhưng trên thực tế tại các chợ chỉ có vách tôn, lưới sắt, thậm chí là vách gỗ. Mỗi kiốt chỉ rộng khoảng 3m2, quá chật hẹp so với lượng hàng hóa tích trữ. Có khi 2-3 người thuê chung một kiốt, bán nhiều loại hàng hóa nên thu xếp một chỗ ngồi cũng khó khăn. Có mặt tại một gian hàng khô tại chợ tạm Hàng Da, chúng tôi thấy diện tích 3m2 không còn một chỗ trống, hàng hóa được treo, xếp ngất ngưởng đến tận mái tôn, đường đi của các phương tiện cũng bị lấn chiếm làm nơi bày hàng hóa, đỗ xe...

Từ khi chợ Mơ được "tạm cư" tại phố Kim Ngưu, tuyến phố này thường xuyên bị ùn tắc giao thông, ngay cả khi không phải giờ cao điểm. Trước cổng vào chợ tạm là một loạt xe thồ, hàng rong bán hoa tươi, cây cảnh trên lòng đường, nhộn nhịp từ sáng đến chiều tối. Vất vả lắm chúng tôi mới len được vào đến dãy kiốt nằm trên vỉa hè, sát bờ sông Kim Ngưu.

Tại các quầy hàng có nguy cơ hỏa hoạn cao như hàng mã, mây tre đan, chăn ga gối, rèm cửa, quần áo... mọi diện tích đều được tận dụng tối đa để bày hàng. Trong khi đó hệ thống dây dẫn điện nhằng nhịt trên đầu, không có ống gen an toàn, bóng điện thắp sáng lơ lửng sát những vật liệu dễ cháy như vải, giấy. Chị Nguyễn Kim Hương, một tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết: "PCCC là điều mà bà con kinh doanh đặc biệt quan tâm vì trước hết, đấy là quyền lợi "sát sườn" của chúng tôi. Thế nhưng mặc dù đại đa số các hộ đều chấp hành quy định về phòng chống cháy do BQL chợ đề ra như không thắp hương, đốt vàng mã, lập bàn thờ tại nơi kinh doanh, nhưng với diện tích quá chật chội thì nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn rất lớn. Chúng tôi rất mong BQL chợ thường xuyên kiểm tra các thiết bị cứu hỏa, việc chấp hành nội quy của các chủ kinh doanh, nhắc nhở và xử lý thật nghiêm người vi phạm".

Chợ tạm Ngã Tư Sở trên đường Láng đang trong quá trình hoàn thiện, có thể được đưa vào sử dụng trong những ngày tới. Tận dụng dải đất trống ven sông Tô Lịch, người ta dựng hai dãy kiốt quay mặt vào nhau, ở giữa là một lối nhỏ để đi lại. Kiểu thiết kế này càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Phần diện tích còn lại của đường Láng dọc dãy kiốt này cũng bị các hàng thực phẩm tươi sống lấn chiếm hết. Nếu xảy ra hỏa hoạn, việc dọn đường để xe cứu hỏa vào chắc chắn không thể dễ dàng.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy là do chập điện. Bên cạnh đó, việc sử dụng bừa bãi các nguồn nhiệt như bếp than, bếp dầu càng làm tăng nguy cơ hỏa hoạn Các chợ được liệt vào hàng nguy cơ cao là chợ tạm, chợ bán kiên cố. Thông thường các vụ cháy chợ thường xảy ra vào lúc sáng sớm. Nguyên nhân do buổi tối, bảo vệ chợ thường ngắt cầu dao tổng, sáng sớm hôm sau đóng điện trở lại.

Trong khi đó một số hộ kinh doanh sơ ý không tắt công tắc điện khi ra về, hôm sau lại đến muộn, các thiết bị điện hoạt động trở lại, gây sự cố. Đấy là chưa kể một số hộ kinh doanh còn tự ý câu dẫn điện, đấu nối ra các thiết bị khác để đun nấu, thắp sáng... không bảo đảm an toàn. Vì vậy cơ quan chức năng PCCC khuyến cáo, thời điểm này hàng hóa, người bán kẻ mua tập trung lớn nhất tại các chợ, trung tâm thương mại, người dân và các BQL cần nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng "giặc lửa". Lực lượng quản lý chợ phải tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các thiết bị cứu hỏa, bảo đảm giao thông chữa cháy, nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn chiếm đường đi lối lại, xếp hàng hóa gọn gàng, đặc biệt chú ý những loại hàng hóa dễ bắt lửa, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về PCCC...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng “bà hỏa” thăm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.