(HNM) - Từ cuối năm 2019 đến nay, hai ngành Hải quan và Công an của thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm.
Phối hợp xử lý gần 1.500 vụ việc
Qua hơn 10 năm thực hiện ký kết Quy chế phối hợp số 06/QCPH (CA-HQ) ngày 12-11-2009 giữa Công an thành phố Hồ Chí Minh và Hải quan thành phố Hồ Chí Minh với nội dung trọng tâm là bảo vệ an ninh kinh tế; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác... Số liệu thống kê cho thấy, các đơn vị nghiệp vụ của hai lực lượng đã phối hợp xử lý gần 1.500 vụ việc, bao gồm cả các vụ vi phạm trên lĩnh vực an ninh chính trị, an ninh kinh tế, các vụ án về ma túy, buôn lậu, hàng giả và chuyển Công an thành phố điều tra, xem xét khởi tố 183 vụ việc liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa…
Điển hình là chuyên án M918 và 719ĐL, khi sự phối hợp của hai lực lượng bắt giữ lượng ma túy trị giá gần 500 tỷ đồng. Với ý định sử dụng thành phố Hồ Chí Minh làm địa bàn trung chuyển ma túy sang Đài Loan (Trung Quốc) tiêu thụ, ngày 14-3-2019, Liu Minh Yang (người Đài Loan); tạm trú tại quận Tân Bình đã chỉ đạo Jhu Minh Jyun (người Đài Loan) nhập cảnh vào Việt Nam vận chuyển 4 máy ép về kho hàng tại quận Bình Tân để cất giấu, chế biến ma túy. Sau đó, Liu Minh Yang tiếp tục chỉ đạo Jhu Minh Jyun chuyển về kho hàng mới tại huyện Bình Chánh. Ngày 10-5-2019, qua nghi vấn từ tin báo, các lực lượng đã phối hợp theo dõi chặt chẽ. 16h ngày 11-5-2019, Ban chuyên án M918 đồng loạt ra quân phối hợp với các lực lượng đã tiến hành kiểm tra kho chứa hàng tại huyện Bình Chánh, bắt quả tang các đối tượng nêu trên, thu giữ 4 máy ép bao bì chân không dùng để ép ma túy cùng nhiều bao hóa chất sệt màu nâu có nghi vấn, chứa tổng số gần 500kg ketamine, trị giá gần 500 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phối hợp giữa hai lực lượng này cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hiệu quả trong trao đổi thông tin. Ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho rằng, Quy chế phối hợp số 06/QCPH (CA-HQ) được đóng dấu “Mật” nên không phổ biến đến từng công chức trực tiếp giải quyết công việc, nhất là ở các chi cục. Do đó, ở nhiều vụ việc, nhiều thời điểm, việc trao đổi, xử lý thông tin của các đơn vị thuộc ngành Công an với một số chi cục hải quan chưa kịp thời…
Tăng cường phối hợp trong tình hình mới
Đánh giá cao kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa hai lực lượng qua hơn 10 năm thực hiện, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố có nhiều đặc thù, được nhận định là nơi tập trung của rất nhiều loại tội phạm, nên việc phối hợp giữa công an và hải quan trong công tác thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật là rất cần thiết. Kinh nghiệm thực tế được rút ra là công tác phối hợp càng gắn bó thì hiệu quả "đánh án" càng cao.
Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trước tình trạng tấn công an ninh mạng ngày càng phổ biến, hai lực lượng cần hết sức chú ý khi triển khai, nhất là các nội dung thuộc danh mục thông tin mật. Bên cạnh đó, tội phạm rửa tiền, tội phạm xuyên quốc gia và các loại hình tội phạm khác ngày càng diễn biến phức tạp trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong khi thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn giao thương lớn nhất nước. Do đó, Công an thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh ngày 12-2 vừa qua đã tiếp tục ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2020-2030 trong công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ an ninh kinh tế, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, với nhiều nội dung mới được bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế.
Về phần mình, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá rất cao vai trò quan trọng của lực lượng công an thành phố, vì thông qua việc thực hiện tốt quy chế phối hợp, công tác chỉ đạo, điều hành của Cục được nâng lên, tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất trong các hoạt động nghiệp vụ. Do đó, tăng cường mối quan hệ toàn diện giữa ngành Hải quan và Công an thành phố Hồ Chí Minh sẽ nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là buôn lậu, gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời góp phần minh bạch hóa, tiếp tục cải thiện chất lượng nghiệp vụ của cán bộ, công chức Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.
"Định kỳ 3 tháng một lần, ban chỉ huy các đơn vị đầu mối của công an và hải quan tổ chức giao ban trao đổi công tác, đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc cần đề xuất giải quyết; đồng thời, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp… Điều này sẽ giúp sự phối hợp giữa 2 lực lượng được tăng cường đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới" - Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết.
Sự phối hợp giữa Công an thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ góp phần bảo đảm an ninh kinh tế, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, đồng thời là mô hình liên ngành hiệu quả, để lại bài học quý cho các ngành, các địa phương khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.