(HNM) - Sau khi được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) hai lần vinh danh là Di sản thiên nhiên và địa chất thế giới, Vịnh Hạ Long lại được một tổ chức tư nhân ở nước ngoài công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Rõ ràng, như vậy là thêm niềm vui và cũng là điều chúng ta thêm tự hào. Không chỉ vui và tự hào để đấy, việc công nhận trên còn là dịp thuận lợi để quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Chúng ta hoan nghênh và trân trọng sự vinh danh của mọi cá nhân, tất cả các tổ chức có thiện chí với đất nước, con người, thiên nhiên Việt Nam. Vịnh Nha Trang, Vịnh Lăng Cô, bây giờ là Vịnh Hạ Long cùng rất nhiều vịnh biển, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển khác nữa của Việt Nam đã và đang được thế giới biết đến. Thiên nhiên, cụ thể hơn là biển Việt Nam thật đẹp, thật giàu có.
Sự thừa nhận của hàng triệu công chúng sau 4 năm sàng lọc, cân nhắc, cũng không đơn giản. Nhưng Vịnh Hạ Long hàng trăm năm sau có còn là kỳ quan thiên nhiên của trái đất hay không quan trọng nhất vẫn là do chúng ta và con cháu chúng ta quyết định. Nói thế để hiểu rằng, di sản có được lưu danh bền vững cơ bản trông vào sự gìn giữ nó giống như 7 kỳ quan nhân tạo trong thế giới cổ đại mà chúng ta thường nhắc tới mà danh thơm vẫn tồn tại đến ngày nay.
Điều đáng bàn là chuyện tổ chức đón nhận danh hiệu mới (thêm một lần) như thế nào là vừa phải, tránh phô trương hình thức, lãng phí.
Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc đón nhận danh hiệu "kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới" cho Vịnh Hạ Long sẽ được tổ chức rất trọng thể, hoành tráng cấp quốc gia. Không chỉ thế, nó còn được tổ chức làm hai lần, ở hai nơi: Thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Ở Hà Nội, sẽ được tổ chức có sân khấu ngoài trời của SVĐ quốc gia Mỹ Đình, có biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu lớn, được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4. Ở Quảng Ninh, theo dự kiến cũng được tổ chức hoành tráng như vậy, thậm chí còn hơn.
Sự đón danh hiệu long trọng thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với việc vinh danh. Nhưng đã trở thành thông lệ, di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất… được UNESCO công nhận ở địa phương nào thì địa phương ấy đón nhận bằng chứng nhận. Vậy mà lần này người ta lại làm lễ đón hoành tráng, tốn kém ở hai nơi. Chẳng lẽ danh hiệu "Di sản văn hóa thế giới" do UNESCO công nhận thì chỉ đón ở một nơi, còn danh hiệu " kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới" lại cần đón ở hai nơi, trong đó nhất thiết phải có ở Thủ đô, mới xứng đáng?
Việc tổ chức thêm một lần nữa, trước là Hà Nội sau mới đến Quảng Ninh có nên không dù đã chuẩn bị tốn kém vài trăm tỷ đồng? Nước ta còn nghèo, đại đa số dân ta chưa giàu có, cần tiết kiệm, tránh phô trương hình thức. Vịnh Hạ Long đang rất thiếu hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải; rất thiếu những con thuyền du lịch cao cấp, an toàn; tiện nghi đón khách du lịch chưa cao; tinh hoa văn hóa, cảnh đẹp Hạ Long chưa được phát hiện, tôn tạo và khai thác hết; trẻ em ở đó còn thiếu điều kiện học tập… Bớt tiền tổ chức đón danh hiệu để dùng vào các việc ấy chắc Vịnh Hạ Long sẽ đẹp, hấp dẫn, sẽ xứng đáng với danh hiệu kỳ quan thiên nhiên của thế giới hơn.
Phô trương hình thức là biểu hiện của tính "sĩ diện". Phô trương hình thức vừa mang tiếng, vừa tốn kém. Rất tiếc, nó lại là sản phẩm của sự nghèo, sự tự ti...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.