(HNMO) - Trưa 24-1-2020 (tức 30 Tết), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi với sự tham gia của các bộ, ngành, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh hàng đầu thế giới để đánh giá, thống nhất các biện pháp đáp ứng với dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đã có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ, khu hành chính đặc biệt có bệnh nhân nhiễm vi rút corona
Ngày 24-1, chính quyền tại Trung Quốc thông báo số ca tử vong vì loại vi rút corona được phát tán từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã lên đến 25 trong tổng số 830 ca nhiễm bệnh. Hiện đã có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ, khu hành chính đặc biệt ghi nhận ca bệnh, đó là: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1), Hàn Quốc (1), Đài Loan - Trung Quốc (1), Hoa Kỳ (1), Ma Cao - Trung Quốc (1), Hong Kong - Trung Quốc (1) và tại Việt Nam vừa ghi nhận 2 ca dương tính với vi rút lạ corona (nCoV), đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), là công dân đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, liên quan đến dịch bệnh này, Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra tại các cửa khẩu, địa phương. Bộ Y tế đã có những hướng dẫn về phòng, chống dịch, phác đồ điều trị. Kết quả xét nghiệm hai trường hợp dương tính với nCoV là kết quả ban đầu và hiện ngành Y tế đang triển khai các biện pháp kỹ thuật, làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có kết quả chính xác nhất. Hiện nay, tình hình bệnh do vi rút corona chưa lây lan rộng, vẫn đang trong tầm kiểm soát; các cơ quan có trách nhiệm đã tạo được hàng rào kiểm soát ở các cửa khẩu, cửa ngõ nên người dân không nên quá lo lắng.
Về tình hình sức khoẻ của 2 trường hợp bệnh nCoV xâm nhập vào Việt Nam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hai ca bệnh này là hai bố con người Trung Quốc. Hiện họ đã tỉnh táo. Bệnh nhân là người bố - dù trên nền đái tháo đường, cao huyết áp, nhưng hiện sức khỏe ổn định. Còn người con tuy còn sốt, nhưng các chỉ số khác đều bình thường, không có ho.
“Ở hai trường hợp mắc bệnh này, người bố và người mẹ đi cùng nhau, nhưng người mẹ lại không phát hiện bệnh. Trong khi người con tiếp xúc với người bố sau 3 ngày có biểu hiện bệnh. Điều đó cho thấy, việc lây truyền bệnh từ người sang người cũng hạn chế. Dù vậy, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện, hệ thống khám, chữa bệnh trên cả nước tăng cường việc quản lý bệnh nhân, cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt là phòng lây nhiễm cho cán bộ y tế”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Miền Bắc chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, thời gian qua, công tác giám sát bệnh do vi rút nCoV được tăng cường. Qua hệ thống giám sát, đã phát hiện và cách ly một số trường hợp nghi ngờ mắc nCoV (gồm cả người Việt Nam và Trung Quốc) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Nhi trung ương. Tuy nhiên, đến nay, các xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đều loại trừ những trường hợp này mắc nCoV.
“Hiện tại, khu vực miền Bắc chưa phát hiện trường hợp nào mắc nCoV. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang khẩn trương tiến hành các xét nghiệm đặc hiệu về tác nhân mới của nCoV”, ông Trần Như Dương khẳng định.
Còn theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam đang giám sát 100% hành khách nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt từ xa, đồng thời thực hiện phát tờ rơi truyền thông về dịch bệnh. Hiện tất cả hệ thống y tế đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở mức độ cao hơn, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng phòng cách ly, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch. Các cơ sở y tế chuẩn bị các trang thiết bị, thuốc, hóa chất khu vực cách ly, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân và phòng, chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng cao hơn một mức so với thực tế tình hình dịch.
“Mọi người nên hạn chế đi đến những nơi có nguy cơ dịch, nhất là những nước có tuyên bố dịch bệnh”, ông Đặng Quang Tấn lưu ý.
Tại cuộc họp, ông Ki Dong Park, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao sự vào cuộc của Việt Nam, nhất là ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút mới corona. Ông Ki Dong Park tin tưởng, với kinh nghiệm và năng lực phòng, chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi thời gian qua, Việt Nam sẽ ngăn chặn được dịch bệnh nCoV.
Đại diện WHO tại Việt Nam cũng lưu ý, biện pháp phòng, chống nCoV tốt nhất hiện nay là phát hiện kịp thời, tổ chức cách ly chặt chẽ tại bệnh viện. Còn với người dân nên tăng cường vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu bị ho, sốt, khó thở và có tiền sử đi lại tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thì cần thông báo ngay cho cơ sở y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, qua thông tin từ WHO, các chuyên gia, cơ quan có trách nhiệm, Việt Nam hiện có một số trường hợp sốt, có biểu hiện nghi ngờ lây nhiễm vi rút corona, đều đã được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế theo quy trình nghiêm ngặt của ngành Y tế. Một số trường hợp, trong đó có hai bố con người Trung Quốc qua test xét nghiệm ban đầu của Việt Nam cho kết quả dương tính với nCoV. Ngoài ra, hai trường hợp nghi nhiễm tại miền Bắc đã có kết quả âm tính với nCoV. Một số ca đang làm xét nghiệm, theo dõi và sẽ công bố trên tinh thần minh bạch.
“Như đại diện WHO nói, những kết luận bây giờ đang là ban đầu do chưa có mẫu chuẩn, vì đây là vi rút mới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện thế giới đang coi mức lây nhiễm của nCoV là hạn chế, nhưng ở Việt Nam, do có biên giới đường bộ sát Trung Quốc, lượng người Trung Quốc đến Việt Nam đông, vì vậy, Việt Nam đã thảo luận và nâng mức cảnh báo cao hơn, lên “lây nhiễm”, thay vì chỉ “lây nhiễm hạn chế”.
Hiện mới chỉ có Nhật Bản thực hiện khai báo y tế với các hành khách đến từ thành phố Vũ Hán. Chính vì vậy, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Việt Nam cần thực hiện ngay việc khai báo y tế ở tất cả các cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển, nhất là các cửa khẩu giáp với Trung Quốc. Đặc biệt, giám sát chặt các hành khách đến từ những vùng có dịch, nắm chắc được lộ trình đi lại của hành khách khi họ nhập cảnh vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu, tất cả các cơ sở y tế phải đặc biệt thực hiện nghiêm chế độ bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây từ người bệnh sang y bác sĩ, nhân viên y tế. Trong ngày 23-1, Việt Nam không chấp nhận, không làm thủ tục từ các chuyến bay đi, đến từ các sân bay tại Việt Nam tới Hoàng Cương, Vũ Hán (Trung Quốc). Ngành Y tế đã khuyến cáo nhiều lần về dịch bệnh nCoV, nhưng cần tăng cường truyền thông mạnh mẽ hơn. Với người dân nên hết sức hạn chế đến nơi có nguy cơ dịch, nhất là tới các nước có phát hiện người mắc bệnh. Tuyệt đối không đến Hoàng Cương, Vũ Hán hoặc bất kỳ nơi nào xuất hiện dịch bệnh mới được Trung Quốc thông báo.
“Với công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV hiện nay, chúng ta phải làm với tinh thần cao hơn mức bình thường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.