(HNMO) - Trưa nay, 23-1-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội) về khả năng đáp ứng phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút corona mới (nCoV) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh, đồng thời thành lập 3 đội cấp cứu phòng, chống dịch ngoại viện, sẵn sàng tham gia các đoàn công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại các địa phương khi có hỗ trợ điều động.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã chuẩn bị các nguồn lực bảo đảm triển khai các hoạt động chuyên môn, phân công chế độ thường trực lãnh đạo; chuẩn bị dự phòng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh…
Sau khi kiểm tra hệ thống labo, phòng thí nghiệm và phòng bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề người dân quan tâm nhất lúc này là cơ chế lây lan của dịch bệnh. Việc lây lan bệnh từ người sang người đang ở mức nào và cơ chế lây ra sao, biểu hiện và thời gian ủ bệnh do nCoV ra sao... để từ đó có khuyến nghị với người dân, không để người dân hoang mang, lo lắng.
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho rằng, bản chất của vi rút corona mới này giống chủng vi rút từng gây ra dịch bệnh SARS (vào năm 2003) và MERS-CoV (vào năm 2017). Cơ chế lây lan của nCoV qua đường hô hấp. Những người hít phải giọt bắn của nước bọt hay hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Qua các ca bệnh được ghi nhận, bước đầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, vi rút corona mới có nguồn gốc từ động vật, nhưng là chủng gì thì hiện chưa xác định được và đã có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền vi rút này từ người sang người.
Về bệnh cảnh lâm sàng, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, bệnh nCoV cũng tương tự như SARS, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi, gây cản trở đường thở.
Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ, bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi ô xy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và bệnh nhân sẽ tử vong. Cho đến thời điểm này, nCoV chưa có thuốc điều trị đặc trị. Do đó, công tác phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập phải được đặt lên hàng đầu.
“Ban đầu, qua các báo cáo của cơ quan chức năng Trung Quốc, chúng ta tưởng rằng, vi rút corona mới lây lan hạn chế. Thế nhưng, trên thực tế, vi rút này đang lây lan rất nhanh. Do đó, vấn đề đặt ra là nước ta phải ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập, đồng thời, ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Bởi vì nếu để vi rút này xâm nhập và lây lan nhanh, nguy cơ tử vong sẽ rất cao”, GS.TS Nguyễn Văn Kính nhận định.
Trước tình hình dịch bệnh nCoV có nguy cơ xâm nhập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), đặc biệt là các cửa khẩu giáp với Trung Quốc. Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải lập tức tổ chức theo dõi, cách ly ngay tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, tất cả các cơ sở điều trị thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu có bệnh nhân, cần thu dung, cách ly, điều trị ngay, đặc biệt tổ chức phòng, chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và các nước khác, đồng thời chủ động thông tin tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phòng, chống nhiều dịch nguy hiểm trên thế giới.
"Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan. Vào thời điểm này, tất cả phải sẵn sàng ứng phó ở tình huống xấu nhất và luôn có biện pháp cao hơn mức bình thường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu giao lưu, đi lại giữa các nước gia tăng", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng lưu ý, dù thời điểm này đang là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhưng nếu gia đình có người bị sốt, cần hạn chế tiếp xúc gần và đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.