Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng: "Tăng cường giám sát các dự án BOT!"

Tuấn Lương| 07/06/2016 15:58

(HNMO) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT (xây dựng-chuyển giao) giai đoạn 2011-2015 do Bộ GT-VT tổ chức sáng 7-6 tại Hà Nội.


Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2011-2015, Bộ GT-VT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng). Hiện nay, Bộ GT-VT đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng. Kết quả tính toán của đơn vị tư vấn độc lập cho thấy, các dự án vốn xã hội hóa đưa vào khai thác đã giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện,... so với khi công trình chưa được đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng thừa nhận, mặc dù thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng việc áp dụng hình thức chỉ định thầu các dự án, công tác tuyên truyền chưa thích hợp, chưa tham vấn người sử dụng dẫn đến sự quan ngại về tính công khai, minh bạch của các dự án. Việc lập tổng mức đầu tư cơ bản tuân theo quy định của pháp luật nhưng nhiều quy định của các bộ, ngành vẫn có những cách hiểu khác nhau, từng chủ thể trong quá trình lập và thẩm định tổng mức đầu tư còn một số sai sót, nhầm lẫn. Trên cơ sở kết luận của các đơn vị thanh tra, kiểm toán, Bộ GT-VT đã yêu cầu các tập thể, cá nhân kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Kết luận hội nghị, ghi nhận bước đột phá về HTGT trong những năm qua, song Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, thậm chí là những sai phạm trong việc thực xã hội hóa đầu tư vào giao thông. Bên cạnh nhiều nhà đầu tư có tâm huyết, cũng có những nhà đầu tư năng lực hạn chế, nguồn vốn đầu tư phụ thuộc vào vốn ngân hàng, tính toán chưa chính xác khối lượng thực tế với khối lượng ban đầu dẫn đến việc thu phí quá cao nên cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiêm. Hiện còn thiếu một quy hoạch tổng thể về các dự án BOT, xác định đường nào cần BOT, đường nào cần ngân sách. Hệ thống pháp luật huy động còn nhiều bất cập, đặc biệt là cơ chế quản lý, hy động vốn hỗn hợp. Công tác quản lý của Nhà nước cũng còn hạn chế.

Chính phủ yêu cầu Bộ GT-VT tiếp tục rà soát chiến lược phát triển HTGT gắn với tái cấu trúc ngành, tạo ra sự hài hòa giữa các loại hình vận tải; Quy hoạch định hướng các trạm thu phí, hạn chế những tồn tại như vừa qua. Các bộ ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực tham gia phát triển các dự án bằng hình thức BOT; Tăng cường giám sát các dự án BOT nhằm kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích nhà nươc, các nhà đầu tư, thậm chí là lợi nhiều nhưng phải minh bạch, và lợi ích của người dân...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng: "Tăng cường giám sát các dự án BOT!"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.