(HNM) - Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, từ ngày 17 đến 19-6, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang Bắc Kinh
Toàn cảnh buổi hội kiến. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Tại phiên họp lần này, hai bên đã tập trung trao đổi trọng tâm các lĩnh vực hợp tác nhằm thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tháng 4 vừa qua, thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. Hai bên trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần tuân thủ nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc"; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
* Chiều cùng ngày, tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Thủ tướng Lý Khắc Cường quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương Trung Quốc thực hiện tốt kết quả đạt được tại phiên họp lần này; tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, lành mạnh, bình đẳng cùng có lợi, nhất là tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu gạo và các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam để góp phần giải quyết vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc; tạo điều kiện cho tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới hai nước, kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.