Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng; có chính sách xuất khẩu xỉ luyện thép để giảm tác động môi trường.
Phó thủ tướng yêu cầu dần loại bỏ các nhà máy thép sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. "Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Ông cũng giao Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách thuế về xuất, nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành thép, sớm nghiên cứu giảm thuế xuất khẩu đối với xỉ luyện thép để tạo điều kiện tiêu thụ phế thải này, giảm tác động đến môi trường, đồng thời tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.
Chỉ đạo của Phó thủ tướng cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm quy hoạch ngành, chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường trong cấp phép đầu tư và giám sát hoạt động của các dự án, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi thép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện, cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất gang, thép hợp kim, thép chất lượng cao từ quặng sắt với quy mô lớn; hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Để ngành thép đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, báo cáo Thủ tướng.
Thống kê trước đó của Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy, năm 2015 tổng lượng tiêu thụ thép xây dựng gần 7 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm 2014. Dự kiến lượng thép xây dựng tiêu thụ năm 2016 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2015.
Sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây nên, dư luận đang dồn sự chú ý vào siêu dự án thép 10 tỷ USD do Tập đoàn Hoa Sen đầu tư tại Cà Ná - Ninh Thuận. Câu hỏi liệu "siêu dự án thép này có thật cần thiết, có đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường" đang được đặt ra với nhà đầu tư dự án này.
Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen khẳng định, dự án của doanh nghiệp tại Cà Ná hiện vẫn chưa có giấy phép, chưa chọn nhà thầu. "Nếu được cấp giấy phép và Chính phủ chấp thuận dự án, chúng tôi sẽ đấu thầu công khai để lựa chọn đối tác. Nếu dự án này gây ra ô nhiễm, công ty sẽ chấp nhận hết rủi ro, tự động dừng hoạt động ngay lập tức", Chủ tịch Hoa Sen quả quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.