(HNM) - Mới có tin BCĐ 197 TP Hà Nội đề xuất phương án mở rộng tuyến phố đi bộ sang khu vực hồ Hoàn Kiếm, sắp tới sẽ thí điểm vào hai ngày cuối tuần.
Đây là việc lớn, bởi liên quan đến vấn đề quy hoạch, kiến trúc, thương mại, du lịch, bảo tồn di sản và đặc biệt là cuộc sống của cư dân trong vùng. Nhất định là không thể thực hiện ý tưởng một cách dễ dãi, như thể hình thành chợ đêm là cơ bản đã xong.
Điều quan trọng là đừng vội vã. Việt Nam không thiếu thành phố có phố đi bộ (ổn định hoặc chỉ tồn tại trong thời gian diễn ra lễ hội lớn nào đó) như ở Huế, Cần Thơ, Hội An... và mỗi nơi đều có thể cho bài học về tổ chức và duy trì mô hình. Tại sao với khu trung tâm quận 1 - TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tổ chức tuyến phố đi bộ hướng tới mục tiêu thương mại - du lịch mà dự án hình thành phố đi bộ được xới xáo bao năm vẫn chưa ra được giải pháp tối ưu? Sự hình thành phố ẩm thực Tống Duy Tân và những khiếm khuyết có thể thấy ở tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân trong suốt quá trình thử nghiệm từ năm 2004 đến nay giúp ta bài học kinh nghiệm cần thiết.
Phố, tuyến phố đi bộ được hình dung như một không gian giao tiếp công cộng có tính điển hình và tùy thuộc đặc điểm không gian, cảnh quan, kiến trúc, ưu thế về di sản văn hóa - lịch sử cũng như nhiều yếu tố khác mà nhà quản lý có thể xác định chức năng cơ bản cho nó, từ đó xác định giải pháp bồi bổ cho tuyến phố một cách phù hợp.
Với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và quanh hồ Hoàn Kiếm, rất khó tách rời một số chức năng cơ bản như thư giãn - thưởng ngoạn, thương mại - du lịch, bảo tồn để chỉ chọn một trong số những chức năng ấy. Xu hướng đúng có lẽ là chọn chức năng tổng hợp, từ đó xác định giải pháp về hạ tầng, tổ chức giao thông, giải pháp điểm - cụm - mảng nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc. Việc xác định rõ ràng mục tiêu cơ bản sẽ giúp hành động đúng, bao gồm cả cách ứng xử với vấn nạn giao thông, hệ thống biển hiệu, quảng cáo hay hình thành các điểm biểu diễn, khu ẩm thực, trung tâm thương mại với các ngành hàng đậm chất truyền thống…
Khi mở rộng tuyến phố đi bộ ra khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, bài toán phức tạp hơn trước nhiều, không chỉ cần có phương án khắc phục những điểm yếu cố hữu về quản lý đô thị (về môi trường, giao thông, văn hóa kinh doanh, ứng xử)… mà cần cả giải pháp bổ sung hợp thành tổng thể. Sẽ phải có quy hoạch ngành hàng, chỗ đỗ xe trong khu vực này; chiến lược marketting du lịch. Có thể bổ sung tuyến buýt từ một số đầu mối quan trọng về quanh hồ Hoàn Kiếm và duy trì hoạt động 24/24 giờ. Có thể đưa Tràng Tiền vào tuyến đi bộ để tận dụng hệ thống thiết chế văn hóa - thương mại có tính đặc trưng, như Nhà hát Lớn, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, hệ thống nhà sách, hàng lưu niệm. Có thể đầu tư thêm cho việc bảo tồn, phục dựng một số công trình kiến trúc cổ trên tuyến Hàng Ngang - Đồng Xuân, lấy đó làm điểm tuyên truyền cho phố cổ và truyền thống văn hóa Kinh kỳ. Có thể xây dựng chương trình nghệ thuật đường phố đặc biệt định kỳ theo phương thức xã hội hóa…
Ngẫm ra, phố đi bộ là ý tưởng được ủng hộ, sẽ mang lại mối lợi lớn lao nếu được tổ chức bài bản. Bởi vậy, điều cần lúc này là tính toán mọi bề kỹ lưỡng, dự tính những gì có thể phát sinh để dự trù phương án điều chỉnh. Cũng cần cân đối khai thác - bảo tồn, điều chỉnh liều lượng văn hóa - thương mại - du lịch cho phù hợp, tạo điểm nhấn để rõ là phố đi bộ Hà Nội chứ không lẫn với ở Cần Thơ, Hội An, Huế hay Pattaya, Stuttgart, Matxcơva…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.