(HNM) - Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi đặt mục tiêu sẽ hoàn thành mục tiêu vào năm 2015. Đã qua hơn nửa chặng đường triển khai, song số địa phương đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi mới dừng ở con số 13, chiếm tỷ lệ hơn 20%.
Theo đánh giá của Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), kết quả nổi bật nhất trong ba năm qua của GDMN cả nước là sự gia tăng về tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được huy động đến trường, trong đó tỷ lệ trẻ nhà trẻ (dưới 3 tuổi) đến trường tăng bình quân hằng năm 3%, trẻ mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi) tăng 7%/năm. Tính đến năm học 2013-2014, toàn quốc có gần 750 nghìn trẻ nhà trẻ đến trường, đạt gần 24% số trẻ trong độ tuổi; tỷ lệ này ở trẻ mẫu giáo là 86,5%, tương ứng với hơn 3,8 triệu trẻ. Riêng tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,7%. Có điều kiện được chăm sóc trong các cơ sở GDMN, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm từ 0,5% đến 1,5%, tùy theo độ tuổi.
Kết quả này có được là ở sự đầu tư tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng trường, lớp cho hệ thống GDMN của hầu hết các địa phương. Kể từ khi triển khai đề án (năm 2010) đến nay, các địa phương đã thành lập mới 765 trường mầm non, nâng tổng số trường mầm non hiện có trên cả nước lên gần 13.800 trường. Số phòng học được kiên cố hóa ở cấp mầm non cũng chiếm trên 55%, tăng 8% so với ba năm trước. Số phòng học nhờ, học tạm giảm hơn 2.000 phòng. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non được quan tâm hơn ở giai đoạn này với hơn 3.300 trường được công nhận đạt chuẩn, tăng gần 900 trường so với ba năm trước đó.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, những kết quả trên không chỉ phản ánh sự phát triển về quy mô của hệ thống GDMN, mà điều quan trọng hơn, đó là minh chứng cho những chuyển biến về nhận thức của chính quyền địa phương và các lực lượng xã hội trong việc chăm lo cho cấp học đầu đời của trẻ. Thống kê từ các địa phương cho thấy, ngân sách chi thường xuyên cho GDMN đã được quan tâm hơn. Tổng chi cho GDMN chiếm 11,2% tổng chi sự nghiệp giáo dục địa phương; tỷ lệ chi lương/chi hoạt động bình quân khoảng 83%/17%. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ dành cho chi lương chiếm 75%, chi cho hoạt động khác là 25%, trong khi trước đây chỉ là 85%/15%. Việc nâng tỷ lệ chi cho các hoạt động thường xuyên đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường, không còn cảnh "giật gấu, vá vai" mỗi khi triển khai chuyên đề mới.
Nguy cơ vỡ kế hoạch
Mặc dù đã có những chuyển biến nhất định, song theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc triển khai phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở một số địa phương vẫn còn chậm, lúng túng trong tham mưu, đề xuất các biện pháp và nguồn lực đầu tư. Khó khăn chung được các địa phương đề cập là việc phát triển quy mô trường, lớp mầm non chưa theo kịp nhu cầu. Hầu hết trường mầm non công lập tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đều ở trong tình trạng quá tải, sĩ số HS/lớp có nơi lên tới 60-70. Tình trạng xếp hàng xin học đã không còn "nóng", song vẫn là mối lo không nhỏ của các cấp quản lý ngành và cả phụ huynh HS mỗi mùa tuyển sinh. Nguyên nhân cơ bản được xác định là do việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tái định cư. Tình trạng nhiều khu nhà cao tầng đã được đưa vào sử dụng song lại "quên" xây trường cho trẻ không phải là hiếm. Hà Nội cũng từng "vạch mặt, chỉ tên" từng khu đô thị thiếu trường mầm non công lập để có kế hoạch xây dựng.
Nơi thành thị thiếu quỹ đất, còn vùng khó khăn lại thiếu kinh phí đầu tư khiến cho tình trạng lớp ghép 2-3 độ tuổi chưa thể giải quyết dứt điểm. Cả nước còn gần 5.000 lớp ghép 3 độ tuổi, chiếm tỷ lệ 3,3%; số lớp ghép 2 độ tuổi là 4.000, chiếm 2,6%. Thống kê sơ bộ, cả nước còn thiếu khoảng 20.000 phòng học. Còn 6 địa phương không có trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo lộ trình quy định tại Quyết định 239/QĐ-TTg, các địa phương sẽ xây dựng mới 7.300 phòng học cho các lớp trẻ em 5 tuổi, tuy nhiên thống kê của cả nước trong giai đoạn này mới chỉ bổ sung được gần 50% số này (3.500 phòng). Do thiếu thốn về trường, lớp và trang thiết bị nên một số địa phương chỉ thực hiện được chương trình 26 tuần (trong khi quy định là 35 tuần), khiến trẻ chịu nhiều thiệt thòi.
Trong ba năm qua, dù số lượng giáo viên mầm non đã tăng thêm gần 70.000 người, nâng tổng số giáo viên mầm non cả nước hiện nay lên hơn 260.000 người, nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn là mối lo lớn tại một số địa phương. Điển hình như Thanh Hóa còn thiếu hơn 2.000 giáo viên, Thái Bình thiếu 1.800 giáo viên, Hà Nội thiếu gần 1.700 giáo viên, Bắc Giang thiếu 1.300 giáo viên…
Đây rõ ràng là những thách thức lớn trên chặng đường thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi khiến nhiều địa phương đang đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch, nếu không kịp thời có giải pháp hữu hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.