Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim Việt chiếu rạp đầu năm 2020: Thất bại từ khâu kịch bản

An Định| 28/02/2020 16:26

(HNMCT) - Sau những thành công gặt hái được trong năm 2019, phim điện ảnh Việt được người xem đặt rất nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, hầu hết phim ra rạp vào đầu năm nay lại khiến khán giả thất vọng bởi sự mờ nhạt, thậm chí “xuống cấp” về nhiều mặt, trong đó nổi cộm nhất là khâu kịch bản.

Mùa phim ảm đạm

Mặc dù có 6 bộ phim ra rạp từ đầu năm tới thời điểm này, gồm: Bí mật đảo linh xà, 30 chưa phải tết, Gái già lắm chiêu 3, Đôi mắt âm dương, Tiền nhiều để làm gì?, Sắc đẹp dối trá nhưng mùa phim Tết và Valentine năm nay vẫn hết sức ảm đạm. Ngoại trừ phim Gái già lắm chiêu 3 được đơn vị phát hành Lotte Cinema công bố có “doanh thu khủng” - đạt hơn 160 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu, hầu hết các phim khác đều trong tình trạng bết bát về doanh thu.

Dù được kỳ vọng bởi có sự tham gia của hai diễn viên hài nổi tiếng Trường Giang và Mạc Văn Khoa nhưng 30 chưa phải tết nhanh chóng rơi vào im lặng, thậm chí nhiều khán giả còn lên tiếng “đòi lại tiền vé vì chất lượng phim quá tệ”. Bộ phim Bí mật đảo linh xà gần như không được biết đến với vị trí "đội sổ" trong danh sách phim ra rạp cùng thời điểm...

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ảm đạm của phim Việt có một phần ảnh hưởng của dịch bệnh khiến công chúng hạn chế tới rạp. Nhưng, với những người đã tới rạp xem phim, hầu hết đều có chung nhận xét: Đa số phim Việt ra mắt trong thời gian này đều có chất lượng chưa tốt, thậm chí có nhiều phim "thảm họa" với quá nhiều lỗi. Điểm yếu rõ ràng nhất mà các phim đều gặp phải nằm ở chất lượng kịch bản: Chuyện phim thiếu thuyết phục, tính cách nhân vật khiên cưỡng...

Hai bộ phim Đôi mắt âm dương và 30 chưa phải tết tiếp tục chứng minh những bộ phim có yếu tố kỳ ảo chưa bao giờ là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam khi câu chuyện trong phim “đầu voi đuôi chuột” đến phi lý, nhiều tình tiết đưa ra không được giải đáp thỏa đáng. Bí mật đảo linh xà và Tiền nhiều để làm gì? được giới phê bình xếp vào danh sách những bộ phim "thảm họa" bởi nội dung, hình thức đều cũ kỹ, cách làm cẩu thả và có quá nhiều tình tiết phản cảm.

Bộ phim Sắc đẹp dối trá mới ra mắt dịp Valentine cũng gây thất vọng, ôm đồm quá nhiều thứ trong một câu chuyện nhưng tất cả đều được giải quyết một cách hời hợt, thiếu ấn tượng...

Phải làm tốt từ khâu kịch bản

Nếu nhìn vào thể loại phim, có thể thấy các nhà làm phim Việt đang cố gắng để đem đến một mùa phim nhiều màu sắc, từ phim tâm lý xã hội đến phim kinh dị, phim kỳ ảo... Nhưng khi xem phim, khán giả dễ dàng nhận ra khâu kịch bản được làm quá mỏng và quá yếu, dẫn đến tình huống thiếu logic, thiếu thuyết phục, quá dư thừa chi tiết nhảm... Việc xuất hiện nhiều bộ phim với kịch bản non về nghề khiến nhiều người cảm thấy lo ngại: Phải chăng, với sự vào cuộc ồ ạt của các đơn vị sản xuất phim như hiện nay thì kịch bản - yếu tố quan trọng đầu tiên để có một bộ phim hay - đang bị xem nhẹ?

Đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng thẳng thắn nhìn nhận: “Từ lâu, biên kịch là khâu yếu nhất của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam đang cho thấy một sự phát triển “nóng”, nhiều người nhảy vào đầu tư vì có những “ca” thành công quá lớn. Cơ hội nhiều nhưng quá thiếu kịch bản tốt, và số đạo diễn có khả năng làm cho kịch bản tốt lên cũng ít ỏi. Đạo diễn như thế mà kịch bản yếu thì phim không thể hay được”.

Còn theo các nhà phê bình, nhiều biên kịch và đạo diễn hiện nay quá chú trọng đến chiêu trò, chạy theo áp lực tiến độ ra rạp... mà nhiều khi quên đi những bước cơ bản quan trọng của quá trình hoàn thiện kịch bản. Cây bút Lê Hồng Lâm chia sẻ: “Muốn có một kịch bản tốt thì quá trình nghiên cứu tư liệu, xây dựng nhân vật phải được làm hết sức kỹ càng. Tôi nhớ khi đọc cuốn tiểu thuyết Gone Girl bản tiếng Anh, phần phụ lục của cuốn tiểu thuyết này (không có trong bản dịch ra tiếng Việt) có ghi lại quá trình nữ nhà văn Gillian Flynn đã bỏ ra hằng tháng trời để nghiên cứu tư liệu, trao đổi hàng trăm email với giới luật sư, cảnh sát, báo chí... để nắm vững nguyên tắc hành nghề của họ, để các chi tiết mà cô đưa vào tiểu thuyết có căn cứ, không bị sai lệch hoặc phi logic”.

Hay bài học từ phim vừa "đại thắng" ở giải Oscar 2020 Parasite cũng cho thấy, để có được một kịch bản có chiều sâu, đạo diễn và biên kịch đã phải giải quyết khâu kịch bản trong 3 tháng liền với nhiều cuộc phỏng vấn, nghiên cứu xã hội nghiêm túc. Tuy nhiên, điều này lại rất hiếm thấy trên phim Việt, ngay cả những bộ phim có doanh thu tốt cũng ít khi có nhân vật đủ độ dày, có sức nặng phản chiếu xã hội, mà thường dừng lại ở yếu tố giải trí.

Kịch bản là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quyết định mọi thành bại của một bộ phim. Với một kịch bản tồi thì ngay cả một đạo diễn thiên tài cũng bất lực. Những điều này đã trở thành chân lý đối với công nghiệp điện ảnh thế giới, nhưng dường như chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam. Và, khi xem xong những bộ phim tồi, công chúng lại cảm thấy tiếc nuối bởi rất nhiều công sức đã bị “đổ xuống sông, xuống bể” chỉ vì chúng ta đã không thận trọng ngay ở khâu đầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phim Việt chiếu rạp đầu năm 2020: Thất bại từ khâu kịch bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.