Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim truyện truyền hình: Chuyện cũ còn mới

Hà Dương| 08/01/2010 07:11

(HNM) - Một hội thảo "Phim truyện truyền hình" được tổ chức vào sáng qua (7-1) - trong khuôn khổ LHP truyền hình toàn quốc lần thứ 29. Những lý do khiến phim truyền hình chưa có được chất lượng cao, chưa xứng với sự kỳ vọng xem ra đều cũ, nhưng bởi lòng yêu mến và sự chờ đợi của khán giả đối với phim truyền hình Việt nên câu chuyện về nó luôn mới hơn trong các cuộc trao đổi của giới làm nghề. Vẫn đi tìm "hơi thở đời sống"

Phim truyện truyền hình (PTTH) luôn thu hút người xem, có lẽ là bởi sự đa dạng về chủ đề của phim và đối tượng tiếp nhận nó. Người ta có thể hài lòng một chút, chê một chút, nhưng tối tối vẫn có nhiều người chuyển kênh dò tìm phim truyện. Dù gì thì đó cũng là dấu hiệu của sự quan tâm, hơn là không ai bàn gì mà chuyển ngay kênh khác.

Cảnh trong phim “Ma làng”.


Vậy nhưng người ta vẫn nói PTTH thiếu hơi thở đời sống. Trên bình diện chung, PTTH có đủ những nhặt nhạnh vụn vặt nhưng lại thiếu câu chuyện, nhân vật tiêu biểu đủ sức lay động người xem. NSND Trần Phương, giám khảo PTTH tại LHP Truyền hình lần thứ 29, nhận định: "Ngày càng có nhiều phim xa đời sống, nhiều phim đang chiếu có "cốt" từ nước ngoài, bật ti vi lên là thấy con nhà giàu, những cô cậu sành điệu; gương hiếu học, vượt khó ngày càng ít. Ngay cả phim dự thi năm nay, mặt bằng chung cũng không cao, ít có vấn đề xã hội".

Nhà phê bình điện ảnh Đoàn Minh Tuấn cũng cho rằng: "Khán giả thích những nhân vật mạnh mẽ, có quyết tâm, có nghị lực vượt khó". Sự đơn điệu khiến công chúng phải chuyển kênh. Phim nào cũng khóc, nhân vật nào cũng khóc, trong khi cuộc sống vốn nhiều áp lực. Như vậy là phim ảnh, gần gũi với cuộc sống nhưng phải vượt lên trên những "bức bối" của đời sống để tiếp nghị lực, lòng yêu cuộc sống cho khán giả.

Phát huy dòng phim nhà nước

Xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất PTTH có cái lợi nhưng cũng gây ra sự pha tạp ở mức độ nhất định. Nhà tài trợ bỏ tiền vào phim, thể nào cũng muốn hướng tới đối tượng khán giả "của mình". Nhiều người chọn lựa dòng phim "ăn ngay", thế là "dòng phim chính luận của VTV vừa bước đầu tạo dựng thương hiệu, gần đây đã chìm lắng, thay vào đó là phim giải trí của các hãng tư nhân" (đại biểu Trần Thị Phương Lan, Ban Tuyên giáo TƯ). Sự chìm lắng của phim chính luận và sự nở rộ của dòng phim làm theo "thị hiếu trẻ" làm lộ ra sự mất cân đối về đề tài trong các PTTH: "Tỷ lệ phim tuổi teen, phim giải trí dễ dãi cao hơn hẳn phim đề tài chính trị - xã hội" (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần).

Đành rằng, như NSND Trần Phương nói thì phim nào cũng mang trong nó yếu tố giải trí, nhưng về tổng thể thì bộ phim phải nói được điều gì đó có ý nghĩa với khán giả. Những phim vui vui một tí, hài hài một tí, nhưng không đọng lại gì nếu cứ xuất hiện liên tục, e rằng khó trách khán giả thất vọng với phim Việt.

Với dòng phim tư nhân, ai cũng hiểu áp lực từ nhà đầu tư, mà theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì "để bán được sản phẩm của mình, nhà đầu tư một bộ phim truyền hình nọ đã yêu cầu các nhân vật phải toàn con nhà giàu. Cứ theo cách như vậy, PTTH thiên về giải trí nhạt nhẽo, bỏ qua các vấn đề xã hội... là điều tất nhiên.

Nếu xét về doanh thu quảng cáo, những phim nhà nước đầu tư từng được khán giả yêu mến cũng chẳng kém phim giải trí bao nhiêu, như "Ma làng" (850 triệu đồng/tập) so với "Cô gái xấu xí" (1,2 tỷ đồng/tập). Sự đầu tư đúng mức cho "dòng phim nhà nước" có thể còn tạo ra sức ép cần thiết, đủ để khích lệ các nhà làm phim tư nhân đầu tư kỹ lưỡng hơn cho nội dung phim của họ. Tuy nhiên, sự đầu tư này cũng cần có thay đổi, như ý kiến của nhiều đại biểu là: đầu tư từ kế hoạch đề tài cụ thể của đài TH; bỏ cách đầu tư đồng hạng, phim nào cũng giống phim nào; có kinh phí cho quảng bá tác phẩm, trích nguồn thu quảng cáo để thưởng cho êkíp làm phim có doanh thu quảng cáo cao…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim truyện truyền hình: Chuyện cũ còn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.