(HNM) - Không phải phim truyện hay phim truyền hình, gần đây, những khoảnh khắc chân thực, sống động trong phim tài liệu về nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng đang thu hút sự chú ý của khán giả. Các nhà làm phim đã dấn thân, vượt qua nhiều thách thức, thậm chí hiểm nguy, để đem đến những tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc và hấp dẫn, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Hành trình không ngừng nghỉ...
Không ít khán giả đã rơi nước mắt khi xem hai bộ phim tài liệu “Ranh giới” và “Ngày con chào đời” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, quay phim Nhất Phong, do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện, phát sóng trong chương trình VTV Đặc biệt tháng 9 vừa qua. Phim “Ranh giới” đưa khán giả vào tâm dịch Covid-19 - Bệnh viện Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh), để chứng kiến những giây phút khốc liệt, giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. Còn “Ngày con chào đời” khai thác câu chuyện xúc động, sâu lắng về nỗ lực vượt cạn của các thai phụ và những em bé cất tiếng khóc chào đời trong tâm dịch…
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết, ê kíp từ Hà Nội vào tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, sống cùng các y, bác sĩ và bệnh nhân trong khu điều trị, xác định có thể nhiễm Covid-19. Điều khó nhất trong khi làm phim là thuyết phục nhân vật cho phép ghi hình và luôn sẵn sàng quay phim, bởi nhân vật, tình huống, khoảnh khắc quan trọng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Khởi động ngay khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quang Tuấn, đạo diễn Nguyễn Ánh Ngọc (Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương) cùng đồng nghiệp đã thực hiện bộ phim tài liệu “Cuộc chiến không giới hạn” dài 35 phút mang dấu ấn tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của mỗi người dân Việt Nam. Các nhà làm phim đã không ngại hiểm nguy, lao vào những điểm nóng dịch bệnh năm 2020, như: Thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội)… để lột tả tinh thần và quyết tâm chống dịch của cả hệ thống chính trị... Ngoài ra, có nhiều bộ phim tài liệu khai thác góc nhìn khác nhau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ghi dấu ấn như: “Chuyện ở thành phố thức”, “Trở về cuộc sống”…
Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững cũng đang là những vấn đề thời sự được quan tâm trong đời sống, có nhiều phim tài liệu đề cập hiệu quả, như: “Ô nhiễm trắng” về mối nguy của rác thải nhựa, “Năng lượng mặt trời” về nguồn năng lượng xanh ở trái đất… Đặc biệt, nhiều nhà làm phim trẻ đang thử sức sản xuất phim tài liệu về sinh thái trong dự án do Viện Goethe tại Việt Nam tài trợ, với sự hợp tác của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt. Các phim hướng tới nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật, nhằm tác động vào ý thức của người dân, thúc đẩy xã hội thực hiện mục tiêu phát triển bền vững…
... để đem lại giá trị cho cuộc sống
Phim tài liệu trực tiếp thuyết phục người xem ở tính chân thực, gần gũi. Chị Trần Diệu Linh (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Xem phim tài liệu về các vấn đề thời sự được chú ý gần đây, khán giả sẽ thay đổi suy nghĩ, thấy trân trọng cuộc sống, đồng thời thôi thúc sự gìn giữ, phát triển”.
Khẳng định bản thân cũng đã thay đổi nhiều khi trực tiếp làm hai bộ phim tài liệu giữa tâm dịch, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mong muốn, khán giả nhận ra phần nào thực tế khốc liệt, ý thức hơn về tinh thần đoàn kết, niềm tin, tình yêu thương để vượt qua mọi ranh giới. Để tạo nên tính hấp dẫn, thuyết phục cho các bộ phim của mình, ngoài chọn đề tài đang được xã hội quan tâm, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã theo phong cách làm phim không lời bình, chỉ dùng hình ảnh và lời của nhân vật. Như thế, câu chuyện được kể tự nhiên, khách quan, khán giả dễ hòa mình.
Khi thực hiện bộ phim “Cuộc chiến không giới hạn”, đồng đạo diễn Nguyễn Ánh Ngọc kể, đoàn phim đã phải mặc đồ bảo hộ chống dịch suốt nhiều ngày; vào khu cách ly; cùng sinh hoạt với người dân; theo chân các lực lượng tham gia truy vết; tiếp xúc, phỏng vấn hàng chục bệnh nhân Covid-19, bác sĩ, chuyên gia y tế và sau đó thực hiện cách ly theo quy định, trước khi trở về với gia đình…
Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương nhìn nhận, thế hệ làm phim tài liệu hiện nay quan tâm nhiều đến vấn đề thời sự và có sự nhanh nhạy trong làm phim. Tuy nhiên, để thực hiện những bộ phim tài liệu giá trị, nhận được sự đồng cảm của khán giả, các nhà làm phim phải chịu khó học hỏi, tìm tòi cách thể hiện mới, tiếp cận công nghệ hiện đại, tận dụng nền tảng số để lan tỏa đến khán giả trẻ…
Về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho biết, Cục luôn khuyến khích các nhà làm phim tài liệu dấn thân thực hiện những tác phẩm có sáng tạo mới, phản ánh sinh động đời sống xã hội, có góc nhìn đa chiều, nhân văn, hướng thiện, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy đã có nhiều nỗ lực, song điện ảnh Việt Nam còn ít phim tài liệu đáp ứng các tiêu chí trên, đồng thời có dung lượng đủ để chiếu rạp, hút khách. Cục Điện ảnh đang tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim tài liệu (60 phút), nhằm tạo nguồn kịch bản chất lượng để sản xuất phim tài liệu, đáp ứng nhu cầu của công chúng, lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.