(HNM) - Sau gần hai năm bỏ công sức và trí tuệ cho bộ phim hoạt hình 3D "Thỏ và Rùa" (20 phút, Hãng phim Giải phóng và Công ty Fanatic Film Production), đạo diễn trẻ Huỳnh Vĩnh Sơn đã gặt hái được thành công ban đầu. Phim được chọn khai màn cho chương trình phim ngắn trên VTV6, đoạt giải Cánh diều Bạc (không có Vàng) giải Cánh diều Vàng 2008 và vừa ẵm giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 16.
Thỏ và Rùa thời hiện đại
Các tác giả Huyền Vũ - Mỹ Linh đã xây dựng kịch bản như là phần nối tiếp của câu chuyện ngụ ngôn về cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa, nhưng lần này là cuộc thi của lòng vị tha, sự quan tâm và sẻ chia.
Một cảnh trong phim 3D “Thỏ và Rùa”. |
Hai nhân vật chính là rùa Mắt Trố (tượng trưng cho truyền thống) và thỏ Tai Dài (hiện thân của hiện đại). Các con thú khác cũng đều mang những biệt danh ngồ ngộ: bác voi cận, vịt cồ, gà trống cộc đuôi... Chúng ở nhà lầu, đi xe hơi và... xài điện thoại di động cùng với những hành động ngộ nghĩnh trong một thế giới vui tươi và đầy màu sắc. Việc tạo hình con vật không theo khuôn mẫu thông thường, nhất là mô típ "cổ điển" của phim hoạt hình Việt Nam mà có những cách điệu rất đáng yêu… làm cho thế giới trong phim mới mẻ và hiện đại hơn.
Thành phố Rau Muống đẹp như một giấc mơ, không chỉ vì vạn vật ở đó sinh sống thân ái, vui vẻ với nhau. Đó là một thế giới tưởng tượng được chăm chút kỹ lưỡng. Từ cây rau muống khổng lồ trồng ở vỉa hè với những chùm hoa tím ngắt trên cao đến những dãy nhà chọc trời với nhiều dáng kiểu, rồi hệ thống đường phố, các công trình công cộng đẹp lung linh… Thú vị nhất là sân vận động được "thiết kế" hoành tráng, nơi mà tất cả dân cư thành phố Rau Muống tập trung để chứng kiến cuộc đua giữa rùa Mắt Trố và thỏ Tai Dài. Các nhà làm phim đã sáng tạo rất nhiều điểm nhìn khiến cho hình ảnh càng thêm sống động, đặc biệt khi miêu tả cuộc đua diễn ra trong đường ống sâu hun hút. Đây quả là ưu thế của phim hoạt hình khi tái tạo những không gian mà không thể làm phim bằng máy quay thông thường.
Phim có nhiều tình huống vui vẻ, tiết tấu nhanh, thoại chỉ điểm xuyết khi cần thiết. Khán giả đã quen xem phim nước ngoài sẽ không phải than thở "sao phim Việt Nam chậm chạp vậy" khi xem "Thỏ và Rùa". Êkíp lồng tiếng gồm NSƯT Thành Lộc, Đình Toàn… thật sự thổi hồn cho những nhân vật trong phim.
Làm được 3D, nhưng…
Để chuẩn bị cho bài tập tốt nghiệp khoa Mỹ thuật hoạt hình của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, trong khi các bạn lo vẽ tranh thì Huỳnh Vĩnh Sơn quyết tâm làm phim hoạt hình ngắn 3D "made in Việt Nam". Đầu quân về Hãng phim Giải Phóng, nhưng phải 4 năm, sau khi được tu nghiệp và thực tập các khóa học thực hiện phim hoạt hình 3D và... chờ đợi, Sơn mới chính thức bắt tay vào dự án mà anh ấp ủ từ lâu.
Sơn đã bỏ chức trưởng phòng ở một công ty có thu nhập tốt để toàn tâm toàn ý cho "Thỏ và Rùa". Anh không sợ khó. Không sợ làm phim với chế độ thù lao còn quá thấp của một hãng phim nhà nước. "Chưa có nhiều phim hoạt hình Việt Nam làm bằng công nghệ 3D nên chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi bắt tay vào làm, vừa làm vừa học nên không tránh khỏi những va vấp", Sơn chia sẻ.
Sơn cho biết, mỗi một "frame" trên phim là một hình ảnh được tổng hợp bởi 4, 5 lớp hình ảnh khác nhau (layer), mỗi giây là 25 hình như thế và để tạo nên 1 giây hình ảnh, có khi các nhà làm phim phải mất 4-5 giờ liền. Chính vì muốn được đầu tư kỹ càng, nên Sơn mới mất tới hơn 2 năm cho dự án này. Có những lúc dự án bị đứt đoạn vì thiếu kinh phí. Sơn đã mời những người trẻ làm hoạt hình trên cả nước tham gia. Có người bỏ dở vì thù lao quá ít ỏi. "Trong quá trình làm, nhiều lúc tôi rơi vào trạng thái căng thẳng và bế tắc. Cộng sự bỏ đi, mình tôi xoay xở, 2-3 tháng trời chỉ ngủ vài ba tiếng, đêm làm một ly cà phê đen để "chiến đấu" với "Thỏ và Rùa". Lúc đó, vợ tôi đang mang bầu. Nếu vợ không thông cảm thì tôi khó làm được phim này", Sơn chia sẻ.
Anh cho biết thêm: "Làm 3D tốn kém thời gian, tiền bạc và đòi hỏi nhiều máy móc thiết bị và phần mềm chuyên dụng nên đội ngũ làm phim hoạt hình ở ta chủ yếu gia công cho các hãng nước ngoài. Máy móc chuyên nghiệp có thể giúp làm nhanh gấp 3-4 lần so với máy có tính năng trung bình. Phần mềm chuyên dụng cũng hỗ trợ đắc lực cả về hiệu quả và thời gian hoàn thành công việc… Nhưng những điều này vẫn chỉ là ước ao".
Trong "Thỏ và Rùa", Sơn và các nhà làm phim đã sử dụng nhiều phần mềm khác nhau cho mỗi giai đoạn, trong đó Maya là phần mềm chính cho công đoạn 3D và Adobe After Effect cùng Eyeon Digital Fusion được sử dụng cho giai đoạn hậu kỳ. Theo Sơn, việc ứng dụng công nghệ nước ngoài nhưng con người và máy móc có hạn nên cố gắng bảo đảm về tổng thể sao cho phim hoạt hình 3D Việt Nam là "phim xem được". Nhưng đầu ra của hoạt hình nói chung vẫn là một dấu hỏi lớn. Không nản, Sơn đang cùng các đồng nghiệp bắt tay thực hiện bộ phim 3D thứ hai dài 22 phút "Khu đầm có cánh", vẫn hợp tác với tác giả kịch bản Mỹ Linh và dự kiến ra mắt vào tháng 3 năm nay. Chuyện phim về cậu bé Bong Bóng khao khát khám phá và chinh phục thế giới xung quanh mình. Hành động và lãng mạn nhưng thân thuộc theo kiểu Việt Nam, bộ phim hứa hẹn sẽ đem đến cho người xem những cảm giác mà chỉ ở phim hoạt hình 3D "made in Viet Nam" mới có. Sơn mong bộ phim được phát hành bằng DVD khán giả có thể dễ dàng xem bộ phim này, cũng như phim hoạt hình Việt Nam thật sự được "cất cánh" chứ không chỉ trông chờ vào sóng truyền hình hay nằm im trong máy tính sau khi sản xuất, như số phận của "Thỏ và Rùa" trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.