(HNMO) - Thời gian qua, karaoke vỉa hè, gia đình với hình thức tự phát đã gây ra nhiều phiền toái, thậm chí hệ lụy về ô nhiễm tiếng ồn và an ninh, trật tự tại cơ sở. Tuy nhiên, việc quản lý hình thức karaoke này lại đang vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân.
Khó quản lý
Với công nghệ ngày càng phát triển, hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, micro kết nối bluetooth với loa thùng di động là có thể hát hò thoải mái ngoài trời. Hay "đầu tư" phương tiện hơn một chút với máy chiếu, dàn loa công suất lớn như tại một số quán nước vỉa hè ở phố Lê Quang Đạo (nằm trên địa bàn các phường Phú Đô, Mỹ Đình 1 thuộc quận Nam Từ Liêm), các quán "hát cho nhau nghe" dễ dàng xuất hiện để hút khách.
Ông Phùng Văn Đô (trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) bức xúc: "Nhiều quán nước vỉa hè đối diện với sân vận động quốc gia Mỹ Đình liên tục mở karaoke công suất lớn vào buổi tối, có khi đến 24h khiến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn".
Bên cạnh những quán karaoke tự phát, tình trạng hát karaoke gia đình trong khu dân cư, chung cư cũng gây nhiều bức xúc. Chị Nguyễn Thị Thu (cư dân tòa HH3B, tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai) chia sẻ, ban đầu, nhiều gia đình khi hát karaoke trong khu chung cư còn có lời, mong hàng xóm thông cảm vì gia đình có liên hoan, tiệc tùng... nên mở nhạc cho vui. "Nhưng sau đó, chẳng có sự kiện gì họ cũng hát hò ầm ĩ, mở nhạc quá to khiến chẳng ai nghỉ ngơi được", chị Thu cho biết.
Khi karaoke tự phát vượt quá mức chịu đựng của người dân, đã xảy ra nhiều vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Gần đây nhất là vào tối 21-11-2020, một vụ ném "bom xăng" đã xảy ra tại thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) mà nguyên nhân cũng bởi karaoke. Theo điều tra ban đầu, ông N.H.N (61 tuổi) bức xúc vì hàng xóm thường hát karaoke gây ồn ào, mặc dù đã nhắc nhở, góp ý nhiều lần không được nên đã ném "bom xăng" để cảnh cáo.
Mặc dù đã xảy ra những hệ lụy nhưng việc quản lý các hình thức karaoke tự phát này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo Thiếu tá Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng Công an phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), việc xử lý karaoke tự phát với các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn hơn so với các trường hợp khác. Nguyên nhân do muốn xử lý thì phải có máy đo tiếng ồn, trong khi việc trang bị phương tiện này cho lực lượng chức năng còn hạn chế.
Chung tay giữ gìn văn hóa nơi công cộng, khu dân cư
Có thể nói, chỉ có sự chung tay của chính quyền và người dân thì vấn nạn karaoke vỉa hè, gia đình gây ảnh hưởng đến cộng đồng mới được dẹp bỏ, trả lại bình yên cho khu dân cư. Lúc đó, người dân vừa được thỏa mãn nhu cầu ca hát, vừa xây dựng hoạt động văn hóa tinh thần tốt đẹp trong nhân dân.
Ông Đỗ Xuân Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố 60 (tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết, để ngăn ngừa tình trạng karaoke gia đình với hình thức tự phát gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, công tác tuyên truyền đến mỗi hộ gia đình, mỗi người dân là vấn đề quan trọng. Hằng năm, các cư dân trong tổ dân phố đều ký cam kết thực hiện đời sống văn hóa, trong đó cam kết không làm ồn hay gây huyên náo tại khu dân cư.
Riêng với các trường hợp hát karaoke liên tục gây ồn, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Võ Hồng Vinh, khi nhận phản ánh của người dân, phường sẽ yêu cầu cảnh sát khu vực, các đoàn thể kiên trì nhắc nhở, vận động, khi đó, các gia đình thấy ngại sẽ phải tự điều chỉnh.
Đối với các quán vỉa hè có phục vụ karaoke, Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) khẳng định, các quán đều vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh. Công an thành phố đã tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong thời gian tới, nhất là trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và các lễ hội đầu năm 2021, đơn vị sẽ phối hợp cùng Công an các quận, huyện, thị xã đến từng hộ kinh doanh tại các tuyến đường, phố để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân chấp hành quy định của Nhà nước về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, đồng thời tiến hành giải tỏa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; thực hiện ký cam kết, lập biên bản nhắc nhở tới các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn về việc chấp hành các quy định quản lý đô thị...
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi "gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h hôm sau".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.