Phiên họp toàn thể lần thứ 28 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã diễn ra ngày 12-5.
Tại phiên họp này, Ủy ban thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân
Các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Việc sửa đổi nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Các đại biểu nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, thay đổi phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với lộ trình đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước công dân. Việc thay đổi này cũng rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai chính phủ điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, kinh tế số…
Tuy nhiên, một số đại biểu chỉ rõ, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân, đăng ký khai sinh cho trẻ em và dự kiến đến tháng 12-2020, sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn chưa bảo đảm nên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện...
Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.
Liên quan đến việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương (Điều 21), qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó. Theo đó, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
Mặt khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này, nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, thực tế, các điều kiện nhập cư mang tính hành chính không hạn chế được việc nhập cư. Việc đặt ra quy định về đăng ký thường trú, tạm trú ở các địa bàn này cũng tạo tâm lý kỳ thị của một bộ phận người dân.
Bên cạnh đó, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương có thể làm phức tạp thêm một số vấn đề an ninh trật tự, tội phạm, giao thông… nhưng về mặt tổng thể sẽ kích cầu thị trường lao động, thị trường bất động sản...
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề cần cân nhắc thận trọng. Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho biết, với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội của Thủ đô, bà đã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này.
Theo đại biểu Đào Tú Hoa, đây là việc rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống, làm việc, học tập của người dân mà lớn hơn là đến an ninh trật tự của thành phố, đặc biệt là với Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Ngoài ra, yêu cầu đặt ra là không chỉ thực hiện việc tự do cư trú mà còn phải đảm bảo hài hòa an ninh xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, đại biểu cho rằng chưa có cơ sở để quyết định việc sửa đổi như đề xuất trong dự thảo luật.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, về số định danh, Ban soạn thảo đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các trường thông tin để đảm bảo kết nối đồng bộ sau khi số định danh này đi vào hoạt động và được chia sẻ. Các đơn vị cơ bản đồng tình với ý kiến của Ban soạn thảo. Do đó, việc chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương về các trường thông tin đã có bước chuẩn bị và đảm bảo các yêu cầu để tiến hành đồng bộ.
Ban soạn thảo cũng sẽ tiếp tục rà soát, đảm bảo không bị chồng chéo với các luật khác, giải quyết được các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, bổ sung một số ý kiến như khai báo tạm vắng rồi có khai báo tạm trú không, khai báo tạm trú rồi có khai báo tạm vắng hay không…
Nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 28, Ủy ban Pháp luật cũng thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc ban hành nghị quyết này là cần thiết để thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra.
Đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số đại biểu chỉ rõ, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng là vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, cần được nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng nên cần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường, các cơ quan tư pháp quận (do không tổ chức HĐND ở quận và phường nên chỉ có HĐND thành phố là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của người dân ở địa phương).
Vấn đề cốt lõi trong việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương là việc sắp xếp để tăng quy mô các đơn vị hành chính; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; đổi mới cơ cấu tổ chức bên trong, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chứ không chỉ là việc không tổ chức HĐND ở quận, phường hay ở bất kỳ một đơn vị hành chính nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.