(HNM) - Phóng sự về xưởng may đen ở ngoại ô Mátxcơva (Liên bang Nga) của phóng viên Xuân Tùng (Ban thời sự - VTV) được trao giải C báo chí quốc gia năm 2009. Để có 4 phút phát sóng, Xuân Tùng đã suýt phải trả giá...
Đầu năm 2009, Xuân Tùng được lãnh đạo VTV giao nhiệm vụ sang Liên bang Nga công tác. Nhiệm vụ chính của anh là làm các phóng sự và dẫn chương trình ở điểm cầu Mátxcơva trong cầu truyền hình do VTV thực hiện về Tết Kỷ Sửu của người Việt trên thế giới.
Phóng viên, BTV Xuân Tùng tại thủ đô Mátxcơva (LB Nga). |
Một hôm bất ngờ Xuân Tùng gặp hai cô gái Việt Nam còn trẻ run rẩy đứng trước cổng sứ quán nhưng không dám vào. Cảm thấy có điều gì đó không ổn, anh hỏi sao hai người không vào mà đứng dưới trời lạnh mấy chục độ âm. Nhưng hai cô gái không trả lời mà hỏi: "Anh có tiền không cho bọn em xin mấy đồng để mua bánh mỳ, hai ngày nay chúng em chưa có gì vào bụng". Anh lặng đi giây lát rồi dẫn cả hai vào gặp nhân viên sứ quán. Qua câu chuyện, Tùng biết hai người đã trốn khỏi xưởng may "đen".
Hai cô gái, một quê ở Thanh Hóa, một ở Hưng Yên kể rằng có người về tận quê tuyển nhân viên sang Nga làm thợ may với mức lương đã trừ ăn uống là 300 USD. 300 USD so với thu nhập từ làm ruộng là quá lớn. Thế là vì miếng cơm, manh áo, vì tương lai, họ làm thủ tục lên đường, bỏ lại cả quê hương và người chồng tương lai. Thế nhưng khi kẻ tuyển lao động đưa hai cô đến xưởng may nằm dưới hầm của một tòa nhà thì việc đầu tiên là chủ xưởng thu ngay hộ chiếu. Gã làm thế với tất cả thợ ở đây bởi không có hộ chiếu thì nếu ai đó có ý định bỏ trốn cũng không dám. Và chỉ sau vài câu chuyện, hai cô biết đây là xưởng may lậu và tất cả những người thợ đang may ở đây đang oằn mình làm để trả nợ cho chủ vì mức lương không đủ trả các chi phí từ ăn uống, quần áo, tiền đi vệ sinh... Có người may ở xưởng này hai năm nhưng chưa hề được lên khỏi mặt đất. Hai cô gái trẻ người nhưng gan lớn lợi dụng đám bảo vệ đi uống rượu đã bỏ trốn ngay trong đêm hôm đó. Họ chạy vô định trong tuyết. May mà anh lái taxi cho số di động nên cảm thấy an toàn, một cô đã gọi cho anh. Và anh này không quản ngại rét mướt đến đón hai cô lúc đó đang ở trong rừng thông cách xưởng chừng ba cây số.
Dù nhiệm vụ chính đã hoàn thành nhưng máu nghề nghiệp nổi lên, cùng với tình đồng bào, Xuân Tùng muốn làm một phóng sự. Anh đặt vấn đề với sứ quán nhờ mọi người giúp đỡ. Nhưng dù là xưởng may đen sử dụng lao động Việt Nam bất hợp pháp nhưng nó lại nằm ở xứ người với những luật lệ và tính phức tạp không thể giải quyết bằng luật pháp Việt Nam. Thế rồi nhân viên sứ quán đồng ý giúp đỡ anh với kịch bản có thể xảy ra: Một là đang quay sẽ bị nhân viên bảo vệ và cảnh sát đập máy bắt người đưa về đồn; hai là sáng hôm sau thấy xác nằm ở bìa rừng. Biết nguy hiểm nhưng Xuân Tùng chấp nhận. Một nhân viên sứ quán rút điện thoại di động gọi cho chủ xưởng và gã cho phép hai cô gái có 20 phút để lấy đồ. Tuy nhiên còn một việc nữa là phải thuyết phục người lái xe taxi vì không ai biết chính xác xưởng may nằm ở đâu ngoài anh. Sau hồi dài thuyết phục, cuối cùng anh này đồng ý "Em đưa anh đến đó nếu chúng biết rất có thể em sẽ bị vùi xuống tuyết trong rừng nhưng cuộc đời đôi khi cũng phải làm cái gì đó". Chiếc xe taxi chạy hơn 150 cây số mới đến xưởng. Chủ xưởng vì nể nhân viên sứ quán đã lánh mặt. Cũng rất may là đám nhân viên bảo vệ và cảnh sát lợi dụng chủ đi vắng tranh thủ đi uống bia. Xuân Tùng cùng phóng viên quay phim nhanh chóng hành nghề. Cú máy dài từ trên mặt đất theo chân Xuân Tùng vào tận bàn may. Những người thợ ngạc nhiên. Anh bắt đầu phỏng vấn. Trước câu hỏi "Anh có muốn về Việt Nam không?", một thanh niên đã trả lời: "Để đi được sang đây em đã phải vay mượn khá nhiều, nếu về bây giờ lấy tiền đâu mà trả nợ. Trong khi đó em vẫn còn nợ tiền chủ". Tùng thấy nhói trong tim, anh như mất thăng bằng và phóng viên quay phim phải nhắc sắp hết 20 phút rồi. Xưởng may chật chội, chỗ ngủ của hơn 60 chục người chưa đầy ba chục thước vuông. Tất cả chỉ có một nhà vệ sinh và tấm bảng ghi rõ mỗi lần đi vệ sinh công nhân phải trả 3 rúp. Còn 1 phút nữa là hết giờ theo thỏa thuận nhưng Tùng cố quay cảnh hai cô gái chia tay các nữ lao động với những dòng nước mắt, những dòng nước mắt mà sau này anh bảo là "rát bỏng giữa mùa đông nước Nga lạnh giá". Cả 4 người nhanh chóng lên mặt đất và lao vội lên xe. Anh lái xe rồ ga và cũng vừa lúc đó đám bảo vệ ngất ngưởng xuất hiện.
Tuy nhiên, quay xong mới chỉ hoàn thành nửa công việc vì còn phải xin phép ý kiến của sứ quán cho phép phát phóng sự trên đài này. Sau khi cân nhắc các yếu tố liên quan đến quan hệ hai nước, sứ quán đã đồng ý nhưng để có bằng chứng với lãnh đạo đài, Tùng đành phải ghi âm cuộc trao đổi. Sau bao nhiêu gian nan và nguy hiểm, cuối cùng phóng sự được phát sóng vào buổi sáng trên VTV1. Lao vào các đề tài chống tiêu cực, xã hội đen thật không dễ, nhất là lại ở nước ngoài, nhưng rất may vẫn còn các nhà báo yêu nghề và dấn thân, trong đó có Xuân Tùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.