(HNM) - Dịp trong và sau Tết, tại một số lễ hội, di tích trên địa bàn Thủ đô, mức phí trông giữ ô tô, xe máy luôn ở mức khiến du khách thập phương
Một điểm trông giữ xe phục vụ khách tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Bá Hoạt |
Phí trông giữ xe đã giảm nhưng vẫn quá mức quy định
Trước những thắc mắc, phản ánh của người dân, sáng 25-2 (mùng 7 Tết Ất Mùi), phóng viên Báo Hànộimới đã đóng vai du khách, khảo sát tại một số di tích lịch sử trên địa bàn. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chị Phạm Thị Tú Anh, cán bộ Ban quản lý Khu di tích, phụ trách đội trông giữ xe cho biết: Do đã là ngày làm việc bình thường, lượng xe gửi ít hơn nên phí cũng đã giảm, về đúng với giá niêm yết quy định của Nhà nước là 3.000đồng/lượt/xe máy, 20.000đồng/lượt/ô tô. Tại Văn Miếu, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, vì lượng du khách đông, nên mức thu phí trông giữ là 50.000 đồng/lượt/ô tô, còn ở ngoài có nơi thu tới 200.000 đồng/xe ô tô. Tuy nhiên, những ghi nhận thực tế của phóng viên trong ngày 25-2, các điểm giữ xe của Ban quản lý Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn thu phí 5.000 đồng/lượt/xe máy, 50.000 đồng/lượt/ô tô. Chỉ khi phát hiện có phóng viên, một số người trong đội trông giữ xe mới bảo nhau thu phí đúng giá niêm yết.
Tại Phủ Tây Hồ, các điểm trông giữ xe cũng đã giảm phí so với những ngày trước đó nhưng vẫn cao hơn quy định, cụ thể là 5.000đồng/lượt xe máy, 30.000-50.000 đồng/lượt ô tô. Chị Vũ Thị Đoan Trang (Vạn Phúc - Hà Đông) cho biết, ngày 24-2 (mùng 6 Tết), chị đến Phủ Tây Hồ gửi xe máy với mức phí 10.000 đồng/lượt. Khi phàn nàn về phí giữ xe thì người trông xe trả lời ráo hoảnh: "Tết mà, chỗ nào chả thế". Trao đổi với một số du khách đến Phủ Tây Hồ trong ngày 25-2, đa số đều bức xúc trước nạn "chặt chém" của dịch vụ trông giữ xe. Tuy nhiên, mọi người đều có tâm lý "dĩ hòa vi quý", không muốn cãi cọ trong những ngày đầu năm mới nên "ngậm bồ hòn làm ngọt". Đáng nói tại một số di tích còn xuất hiện tình trạng chủ bãi trông giữ xe không dùng mẫu vé theo quy định mà dùng "tích kê" quay vòng và tùy tiện "ra giá".
Một bãi trông giữ xe máy tại khu vực Phủ Tây Hồ. |
Cơ quan quản lý bất lực?
Tình trạng nâng giá trông giữ xe diễn ra phổ biến vào dịp đầu năm mới dù các cơ quan chức năng luôn khẳng định tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh "vấn nạn" này. Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động trông giữ xe nhưng vẫn khó kiểm soát. Đối với khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lực lượng chức năng của quận chỉ có thể giám sát khu vực trông giữ xe ngoài khuôn viên Văn Miếu. Việc trông giữ bên trong khuôn viên do Ban quản lý Khu di tích quản lý, thực hiện. Những ngày Tết, lực lượng Thanh tra giao thông của quận đã kiểm tra và xử lý, dẹp bỏ một số điểm trông giữ xe trái phép. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra của quận vẫn ứng trực thường xuyên để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, bảo đảm giao thông thông suốt và không để các điểm trông giữ xe trái phép tái phạm.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng trông giữ xe tại Phủ Tây Hồ, Chánh Văn phòng UBND quận Tây Hồ Lê Trung Đức cho biết, trước Tết Ất Mùi, UBND quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về giá, phí, lệ phí trên địa bàn. UBND quận đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý và phạt một vụ trông giữ xe, thu phí sai quy định tại khu vực Phủ Tây Hồ. Tuy vậy, việc kiểm soát hoạt động trông giữ xe tại các di tích trong những ngày Tết gặp rất nhiều khó khăn bởi số lượng du khách quá đông, chủ bãi trông xe thu phí tùy tiện. Thời gian tới, UBND quận sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động trông giữ xe không chỉ khu vực Phủ Tây Hồ mà còn ở các di tích, thắng cảnh khác trên địa bàn quận.
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương luôn có "cái lý" để biện hộ cho mình và có lẽ đó là lý do để tình trạng thu phí trông giữ xe quá mức quy định tại các di tích, đình, chùa, bệnh viện, trường học… đặc biệt trong dịp lễ, Tết đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa bị xử lý dứt điểm. Với lý do lực lượng mỏng trong khi người vi phạm luôn "sáng tạo" biện pháp trốn tránh để kiếm lời bất chính, có lẽ lỗi thuộc về chính du khách khi chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt"!? Theo hướng dẫn tại Thông tư 186/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp phí, lệ phí được hướng dẫn cụ thể, tùy theo mức độ vi phạm. Theo đó, hành vi thu phí, lệ phí không đúng mức phí, lệ phí theo quy định của pháp luật sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng nếu số tiền vi phạm đến dưới 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 1 đến dưới 3 triệu đồng nếu số tiền vi phạm từ 10 đến dưới 30 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng nếu số tiền vi phạm từ 30 đến dưới 50 triệu đồng. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng nếu số tiền vi phạm từ 50 đến dưới 100 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu số tiền vi phạm từ 100 đến dưới 300 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng nếu số tiền vi phạm từ 300 triệu đồng trở lên. Ngoài ra các đối tượng vi phạm sẽ phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc hoàn trả toàn bộ tiền phí, lệ phí do thực hiện sai pháp luật về phí, lệ phí cho người nộp phí, lệ phí. Trong trường hợp không xác định được người để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước. Quy định rất cụ thể, mức phạt rất rõ, nhưng do những "khó khăn" trong công tác quản lý, có lẽ, du khách thập phương khó có thể có những ngày du xuân bình yên đúng nghĩa.
* Theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2014 ngày 2-1-2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại các điểm đỗ, bãi trông giữ phương tiện công cộng do Nhà nước đầu tư được coi là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Mức thu phí lượt ban ngày đối với xe đạp không quá 2.000 đồng/lượt, đối với xe máy không quá 4.000 đồng/lượt, đối với ô tô thì tùy theo số ghế hoặc trọng tải của xe, nhưng cũng không quá 20.000 đồng/lượt. Riêng đối với đô thị loại đặc biệt, mức thu phí đối với ô tô có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng không quá 40.000 đồng/lượt… * Tại Quyết định 69/2014 ngày 20-8-2014, có hiệu lực từ ngày 30-8-2014 của UBND TP Hà Nội, mức phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy cũng được quy định cụ thể như sau: Đối với xe đạp, xe đạp điện, mức phí là 2.000-4.000 đồng/lượt tùy thời gian gửi xe. Phí trông giữ xe máy từ 5.000 đến 10.000 đồng/lượt. Phí trông giữ ô tô từ 20 đến 50.000 đồng/lượt, tùy theo từng địa bàn quận, huyện, thị xã. Khánh Ly |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.