(HNM) - Đẩy mạnh tự chủ được coi là “chìa khóa” để các trường dạy nghề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với không ít cơ sở dạy nghề vốn quen được bao cấp, chưa chủ động chuyển mình.
Còn nhiều e ngại...
Với mục tiêu đẩy mạnh chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chủ trương giao quyền tự chủ tài chính trong các trường nghề được Chính phủ đưa ra đã hơn 10 năm nay (Nghị định 43/2006/NĐ-CP). Tuy nhiên cho đến nay, vì nhiều nguyên nhân, vẫn còn không ít trường nghề e ngại trước “cơ hội đầy thách thức” này. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Lương Văn Tiến cho biết: Rào cản lớn nhất của việc tự chủ là tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu khi cơ hội vào đại học ngày càng rộng mở và người dân vẫn còn tâm lý "sính" bằng cấp. Không có người học, trường nghề không có kinh phí để vận hành bộ máy.
Đào tạo nghề tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Sơn Hà |
Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Giao thông - Vận tải Thăng Long Doãn Quốc Hưng cho hay: Tự chủ tài chính là việc rất khó khi nhiều ngành nghề của trường tuyển sinh không đủ học viên để mở lớp. Một số giáo viên phải xin chuyển công tác vì thu nhập thấp. Đồng tình với quan điểm trên, đại diện nhiều trường nghề chia sẻ, không chỉ yếu thế trước giáo dục đại học, trường nghề còn phải đối mặt với thực trạng, phần đông doanh nghiệp vẫn có thói quen tuyển lao động phổ thông không qua đào tạo khiến trường nghề càng rơi vào cảnh ế ẩm.
Trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn, giáo viên thiếu và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chương trình học chưa được kiểm định…, nếu không còn sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, nhiều trường nghề phải tăng học phí thì càng khó thu hút người học. Đại diện Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, TS Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Vấn đề tài chính eo hẹp là trở ngại lớn cho việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như thu hút người giỏi về giảng dạy. Đối với những trường chỉ trông vào học phí thì vấn đề này càng nan giải. Thu thấp thì không đủ chi mà thu cao thì không có người học…".
Theo ông Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, một rào cản đáng kể khác gây khó trong việc tự chủ tài chính là tâm lý ỷ lại của không ít trường nghề vốn quen với việc được ngân sách nhà nước bao cấp nên không chịu vận động, bám sát nhu cầu thị trường. Thực tế, không ít cơ sở dạy nghề, dù gần như không tuyển sinh được vẫn tồn tại nhờ vào nguồn viện trợ của Nhà nước. Nếu nguồn thu chủ yếu này mất đi, các cơ sở dạy nghề có thể bị "chết yểu".
Giải pháp hỗ trợ trường nghề tự chủ
Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 5 năm qua không đạt chỉ tiêu và liên tục giảm. Cơ cấu tuyển sinh hiện vẫn chỉ tập trung ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm tới 88%). Trình độ cao đẳng chỉ đạt 12%. Sau khi học nghề, tỷ lệ người có việc làm là 78% nhưng số được doanh nghiệp tuyển dụng chỉ ở mức 22,8%... Đây là nguyên nhân khiến Bộ LĐ-TB&XH quyết liệt đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các trường nghề với mục tiêu xã hội hóa GDNN, thúc đẩy sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, nâng cao ý thức tự thân vận động, chủ động đổi mới để tồn tại, phát triển.
Bộ LĐ-TB&XH đã chọn 4 trường thí điểm tự chủ tài chính; tiến hành lấy ý kiến góp ý về tự chủ trong dạy nghề để nhân rộng mô hình theo chủ trương: Các trường tự chủ về chi thường xuyên (lương cán bộ, nhân viên, nguyên vật liệu…), Nhà nước hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng… Từ sự đầu tư đó, các trường nghề phải tự đổi mới hoạt động để tạo ra sản phẩm đáp ứng thị trường, yêu cầu của doanh nghiệp, làm cơ sở để khẳng định uy tín, thương hiệu, thu hút người học, từ đó có nguồn thu ổn định tiến tới tự chủ toàn diện. Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Hồng Minh khẳng định: "Đây là cơ hội cũng là thách thức để các trường nghề phải tự chuyển mình, đổi mới nội dung giảng dạy, tăng kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành nghề gắn kết với doanh nghiệp… cũng như có cơ chế tự chủ hợp lý. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu từ thị trường, trường nghề sẽ bị đào thải theo đúng quy luật".
Để trường nghề từng bước tự chủ tài chính hiệu quả hơn, theo ông Trần Công Chánh, Chủ tịch Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật Việt Nam thì, cần phải làm tốt công tác phân luồng, tạo nguồn học sinh cho lĩnh vực dạy nghề. Ngoài ra, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ đào tạo. Bên cạnh đó, cần quy định chế độ tiền lương cho người lao động đã qua đào tạo nghề phải được tăng theo bậc nghề, tăng cơ hội học nghề liên thông lên đại học hoặc cao hơn, xóa bỏ tâm lý “trọng thầy hơn thợ”… Đồng quan điểm trên, ông Lương Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp - Xây dựng cho rằng: Cần sớm quy hoạch lại mạng lưới các trường thuộc hệ thống GDNN, cắt giảm, hợp nhất những trường hoạt động không hiệu quả, tập trung cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người… cho những trường hoạt động tốt để nâng cao chất lượng, có như vậy mới thu hút được người học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.