Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phép màu của tình bạn

Đan Khanh| 17/07/2011 06:27

(HNM) - Nam bước đi chậm chạp trên phố. Cái nắng oi ả của buổi trưa hè đã vắt kiệt sức lực của thằng bé mười một tuổi, vốn đang đói cồn cào vì từ sáng đến giờ chưa được miếng gì vào bụng.

Vậy là nó ra thành phố kiếm việc đã được gần hai tháng, tính từ dịp cuối năm học vừa rồi khi bà nội đến trường xin cho nó thôi học. Nó buồn và tiếc vô cùng, chỉ biết tự an ủi rằng mình sẽ đỡ đần bà được phần nào nuôi các em ăn học.

Ra thành phố kiếm sống không dễ dàng như nó tưởng. Nó đi rửa bát thuê, đánh giày, bị đói khát, bị những đứa khác bắt nạt là chuyện thường... Như sáng nay cũng vậy, nó bị một anh lớn tuổi hơn cướp khách và tát cho một cái. Nhớ lại chuyện đó, nó ngồi xuống gốc cây, nước mắt nhạt nhòa rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng nhiên, loáng thoáng có tiếng gọi. Nó giật mình tỉnh giấc và vội nói như một phản xạ:

- Chị đánh giày ạ?

- Không, tớ thấy cậu ngồi đây đã lâu nên tưởng cậu bị cảm nắng thôi. Cậu có sao không?

Trước mặt nó là một đứa con gái cũng trạc tuổi, ăn mặc sạch sẽ, xinh xắn. Nó dụi mắt và lảo đảo đứng dậy định đi tiếp. Dường như đoán được điều gì qua bộ dạng mệt mỏi của nó, đứa con gái bẻ đôi khoanh bánh mì trên tay đưa cho nó:

- Cậu ăn đi, trông cậu yếu lắm.

Nam rất ngạc nhiên bởi từ ngày ra đây, chưa ai từng cho nó một khoanh bánh mì như thế. Đang đói, nó ăn ngấu nghiến hết bay, khiến đứa con gái phì cười đưa nốt nửa khoanh bánh còn lại. Con bé ngồi xuống cạnh nó và hỏi:

- Cậu tên gì?

- Nam! - Nó đáp lại cộc lốc.

- Còn tớ là Trang, nhà tớ ở ngay gần đây. Chắc là cậu cũng học lớp năm?

- Ờ, nhưng bỏ học rồi - Nó nhiệt tình hơn - Quê tớ ở miền Trung, bố mẹ mất cả rồi nên phải ra đây kiếm việc.

Kể từ hôm đó, những ngày ở thành phố đối với nó không còn là một chuỗi ngày lầm lũi buồn tẻ nữa, thỉnh thoảng nó có thể ghé qua nhà Trang. Dần dần nó thấy thích thú nữa là đằng khác, bởi nó có thể mượn được rất nhiều sách, kể từ sách Toán để nó học nốt những kiến thức đã bỏ lỡ từ cuối lớp năm cho đến những cuốn truyện bổ ích. Có lẽ không một đứa trẻ đánh giày nào giống như Nam, ham học và rất chăm chỉ. Chẳng bao lâu, hai đứa đã rất gắn bó.

Một hôm, nó đến gặp Trang với khuôn mặt đầy lo lắng:

- Có lẽ tớ phải tìm việc khác để làm.

- Sao vậy? - Trang ngạc nhiên.

- Bà tớ nhắn là bé Thơm đang ốm, phải gửi tiền về ngay. Mà tớ chưa dành dụm được là bao. Đi đánh giày chưa đủ ăn thì biết làm thế nào? Cậu nghĩ có công việc gì mà người ta có thể thuê một đứa bé như mình làm nữa không?

Trang ái ngại nhìn bạn. "Bằng tuổi mình nhưng Nam đã phải lo toan đủ thứ, thậm chí phải bỏ học để kiếm tiền nuôi các em" - Trang suy nghĩ rất nhanh rồi chạy vào nhà, dốc ống đựng tiền tiết kiệm ra.

- Cậu cầm lấy đi.

- Không, tớ không cầm đâu - Nam bối rối xua tay.

- Nhưng bọn mình là bạn bè thì phải giúp nhau chứ, nếu không thì cậu đừng coi tớ là bạn nữa.

Trang thuyết phục một hồi, cuối cùng Nam cũng nhận. Cầm nắm tiền trong tay, trong lòng nó nhen lên niềm vui khi nghĩ đến bé Thơm và tự nhủ sẽ gắng làm việc chăm chỉ hơn.

Hôm sau, nó qua nhà Trang thì nghe có tiếng quát mắng ầm ĩ. Nó lo lắng nấp trước hiên nhà, cố nghe những âm thanh vọng ra:

- Sao mày ngu thế? Nó chỉ là thằng đánh giày lang thang, việc gì phải thương với xót, lại còn cho tiền nữa. Tao cấm mày chơi với nó.

- Nhưng bạn ấy là người tốt...

Mặc cho Trang thanh minh, những lời mắng mỏ vẫn vọng ra, mỗi lúc một gay gắt. Mắt Nam nhòa đi. Ừ, phải rồi, nó chỉ là một thằng đánh giày. Nó sẽ gắng kiếm đủ tiền trả Trang rồi không chơi với Trang nữa.

Bẵng đi mấy tuần nó không ghé qua nhà Trang. Một buổi chiều, nó đang cắm cúi đánh giày trước một quán cà phê thì có tiếng gọi "Nam ơi!". Trang đang đi trên đường với bố và tình cờ thấy nó. Nam vừa muốn đáp lại, vừa muốn bỏ chạy thì Trang đã đến bên nó:

- Sao lâu rồi cậu không đến nhà tớ chơi?

- Tớ không làm phiền cậu nữa, vì mẹ cậu không bằng lòng. Còn tiền thì tớ vẫn đang gắng kiếm thêm để trả cậu.

- Hôm đó mẹ tớ không biết rõ sự thể thôi - Trang vội ngắt lời. Sau đó tớ đã giải thích rõ về hoàn cảnh của cậu và mẹ tớ biết là đã trách nhầm. Còn bố tớ thì rất thông cảm và cứ nhắc suốt là sao không thấy cậu đến mượn sách nữa.

Bố Trang cũng nói thêm:

- Phải đấy, bác nghe Trang kể rằng cháu rất thông minh và ham học. Lẽ ra Trang phải nói rõ ngay từ đầu thì bác sẽ rất ủng hộ chuyện Trang giúp cháu. Bác là giáo viên, nếu cháu thật sự muốn đi học, năm học tới bác sẽ thu xếp để cháu được đến lớp.

Trang nắm tay nó lắc mạnh như sợ nó còn không tin:

- Cậu nghe thấy gì chưa? Cậu sẽ được đi học, chắc chắn tớ sẽ giúp cậu.

Nam như lịm đi vì sung sướng. Bao nhiêu lo lắng đã tan biến. Mơ ước của nó sắp thành hiện thực. Có thể đó chính là phép màu, phép màu của tình bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phép màu của tình bạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.