Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phép màu của lòng nhân ái

Nguyễn Linh| 09/12/2010 07:28

(HNM)- Trong ký ức của nhiều bệnh nhân, ông Phạm Quang Minh (81 tuổi), hiện sinh sống tại số 1 Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là ân nhân có phép màu đã cứu giúp cuộc đời họ. Ông là Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam.


10 tuổi, ông bắt đầu giúp việc, học nghề của một ông lang. Kiến thức Đông y từ thuở nhỏ đã giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khích lệ ông học hỏi không ngừng, phấn đấu trở thành y tá, quân y sĩ. Từ năm 1960, ông bắt đầu tìm hiểu về phương pháp nhĩ châm. Ông Minh tâm sự: "Ở chiến trường với điều kiện thiếu thốn, ác liệt, chúng tôi phải tìm mọi cách để cứu thương binh, áp dụng cả phương pháp Tây y kết hợp Đông y". Thời điểm làm nhiệm vụ tại chiến trường Long Thành, đường 15 (Đồng Nai), ông đã mạnh dạn áp dụng nhĩ châm, giúp đồng đội vượt qua bệnh dịch. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt của phương pháp này, năm 1965, ông dùng nhĩ châm chữa trị chứng chảy máu cam ở bệnh nhân bị sốt rét, rồi gây tê trong các ca phẫu thuật lớn, vừa giảm chi phí vừa giúp người bệnh hồi phục nhanh…

Vừa nỗ lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ông vừa chuyên cần học hỏi từ đồng nghiệp, sách báo, ứng dụng vào thực tế nâng cao sức chiến đấu cho đồng đội. Dần dần, các nghiên cứu, ứng dụng của ông đã được Hội đồng Khoa học của Bệnh viện TƯ Quân đội 108, Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cấp bằng chứng nhận sáng kiến và khen thưởng. Nhiều đề tài nghiên cứu của ông (nhĩ châm 44 chứng bệnh, nhĩ châm điều trị u nang bao hoạt dịch…) đã được đăng tải trên Tạp chí Đông y, Châm cứu, Thông tin y học quân sự, báo cáo ở các hội nghị khoa học toàn quốc. Gần 50 năm nghiên cứu và ứng dụng nhĩ châm kết hợp điều trị bằng thuốc Đông y, ông đã thành công trong chữa trị hơn 100 chứng bệnh với các dạng rối loạn chức năng cơ thể, viêm cấp, thần kinh, u, nang…

Đã ở tuổi 81, lịch làm việc 7 ngày trong tuần của ông vẫn kín đặc từ 5h sáng tới tận đêm khuya. Tám năm nay sống một mình, tự tay chọn dược liệu, phân loại, sao tẩm, chế biến. Hằng ngày, ông khám chữa bệnh tại nhà cho khách vào các chiều từ 4h đến 6h. Không quảng cáo, không biển đề, nhưng bệnh nhân từ Bắc chí Nam vẫn bảo nhau tìm đến.

Vừa say mê khoa học, nỗ lực chữa bệnh cứu người, ông còn là một công dân gương mẫu. Từ năm 2009, hằng tuần, ông tổ chức các buổi dã ngoại, đạp xe hoàn thành chương trình "1.000km chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" để rèn luyện sức khỏe, ý chí cho thanh, thiếu niên, phụ lão trong phường, tìm hiểu các di tích lịch sử. Sau lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông tiếp tục tổ chức các buổi dã ngoại của 1000 năm thứ hai. Hiện ông đã đi được hơn 2.700km, vòng quanh TP.

Suốt đời học tập, làm việc theo gương Bác Hồ, ông đã nêu cao gương sáng "lương y như từ mẫu".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phép màu của lòng nhân ái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.