(HNM) - Những ngày đầu giải phóng, ngân quỹ Thủ đô chỉ có vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng Đông Dương. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền lâm thời và người dân Hà Nội đã tổ chức
Vững bước vượt qua khó khăn
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với việc thành lập Chính phủ lâm thời, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan đầu tiên của Chính phủ được thành lập. Cùng với sự trưởng thành của ngành tài chính Việt Nam, tài chính Hà Nội cũng vươn lên theo yêu cầu của lịch sử và có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 20-8-1945, trong cuộc mít tinh ra mắt nhân dân Thủ đô, Ủy ban Cách mạng lâm thời của Hà Nội đã công bố bộ máy lãnh đạo của chính quyền thành phố. Cơ quan tài chính giúp việc cho Ủy ban thành phố lúc này gồm có: Phòng Tài chính, Phòng Thuế, Phòng Tạp thu. Ngân quỹ thành phố lúc đó chỉ vỏn vẹn 1.250.000 đồng Đông Dương. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã tiến hành xóa bỏ một số loại thuế nô dịch, hà khắc, dù nhu cầu chi tiêu của bộ máy chính quyền khá lớn do phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đã phát động nhân dân tham gia "Tuần lễ vàng", "Quỹ độc lập". Với lòng yêu nước và niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội đã đóng góp được 7 triệu đồng Đông Dương, 2.201 lượng vàng, 920 tấn thóc và nhiều hiện vật có giá trị, tạo nguồn lực quan trọng tái thiết Thủ đô.
Tới thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm (1946-1954) các nguồn thu về thuế gần như không thực hiện được. Ngân quỹ thành phố chủ yếu dựa vào các hình thức đóng góp tự nguyện của nhân dân.
Khi hòa bình lập lại, bộ máy tài chính của Hà Nội được thành lập hoàn chỉnh, thành phố bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho cách mạng miền Nam và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc. Ngành tài chính Thủ đô đứng trước khó khăn, thử thách, vừa tham gia cải tạo tư bản tư doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ thu chi, khôi phục phát triển kinh tế. Khi đất nước có chiến tranh, chính sách tài chính có sự chuyển hướng: Thực hiện "hậu cần tại chỗ", kinh tế gắn với quốc phòng, một số loại thuế được sửa đổi, cắt giảm nhưng số thu ngày càng tăng. Cùng với đó, nhu cầu chi thời gian này tăng nhanh. Hà Nội không những chi cho bộ máy chính quyền, chi công tác quốc phòng an ninh mà còn phải bảo đảm cho nhu cầu giao thông vận tải, xây dựng hầm hào bảo vệ tính mạng nhân dân, tài sản nhà nước, bảo vệ các cơ sở sản xuất để thực hiện "hậu cần tại chỗ", xây dựng các kho hàng dự trữ phục vụ cuộc kháng chiến ở miền Nam.
Đất nước thống nhất, ngành tài chính Thủ đô bước vào thời kỳ cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới. Chính sách thuế đã có những thay đổi cơ bản, chế độ phân cấp tài chính ra đời, tiềm lực kinh tế của Hà Nội ngày càng lớn mạnh. Ngân sách thành phố giai đoạn này đã phục vụ đắc lực cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, đẩy mạnh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội.
Xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước
Cùng với sự lớn mạnh của đất nước, tiềm lực tài chính của Thủ đô đã không ngừng được củng cố và phát triển. Trong bối cảnh kinh tế nước ta bước vào giai đoạn hội nhập sâu, rộng và có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng cũng rất nhạy cảm với những biến động kinh tế thế giới, ngành tài chính Hà Nội đã làm trọn vai trò tham mưu đắc lực cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố bố trí chi tiêu hợp lý, đầu tư ngân sách có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, kinh tế - xã hội của thành phố có những bước phát triển khá toàn diện. Thống kê của Cục Thuế TP Hà Nội cho thấy, năm 2009, ngành thuế Hà Nội thực hiện thu ngân sách nhà nước đạt 75.574 tỷ đồng, gấp 144 lần so với năm 1990. Giai đoạn 1996-2000, số thu ngân sách tăng 140% so với giai đoạn 1991-1995. Giai đoạn 2001- 2005, số thu tăng 89% so với giai đoạn 1996-2000. Đến giai đoạn 2006-2010, số thu tăng 202% so với giai đoạn 2001-2005. Cục Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của toàn ngành thuế với số thu đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Nguồn thu ngân sách tăng trưởng mạnh theo từng giai đoạn đã góp phần quan trọng vào việc đưa kinh tế Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2014 của Hà Nội ước tăng 7,4%, bằng 1,5 lần mức tăng của cả nước. Xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế với kim ngạch ước tăng 14,4%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Giá cả thị trường được kiểm soát tốt. Công tác bình ổn thị trường được triển khai rộng rãi.
Những năm gần đây, với nguồn lực tài chính vững mạnh, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng chung từ khủng hoảng kinh tế. Thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp trên địa bàn để sản xuất kinh doanh, rà soát, phân loại dự án bất động sản, cho vay hỗ trợ nhà ở, tích cực huy động vốn đầu tư cho phát triển… kinh tế Thủ đô đã và đang từng bước phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Dự kiến, cả năm 2014, thành phố sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5-9%. Những kết quả này sẽ tạo nền tảng quan trọng, đưa kinh tế Hà Nội đạt được những bước tiến mới, xứng đáng với vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.