(HNM) - Năm 2020, thương mại điện tử có bước phát triển vượt bậc, trở thành hoạt động chủ chốt của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là tiền đề để lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng trong năm 2021.
“Thời” của thương mại điện tử
Từ một người ít “mặn mà” với thương mại điện tử, đến nay bà Ngô Thị Bích Hậu (48 tuổi, ở ngõ 70 phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên) đã trở thành “tín đồ” của mua sắm trực tuyến. “Qua mua sắm bằng hình thức thương mại điện tử tôi đã tìm chọn được những địa chỉ uy tín, dịch vụ tốt và khá yên tâm với kênh mua sắm tiện lợi này”, bà Hậu chia sẻ.
Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020, thương mại điện tử trở nên phổ biến và là kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng. Trên thực tế, các doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ đều đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển như một xu hướng tất yếu trước sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các nền tảng như: Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay; tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday hay gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn... tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam phát triển.
Nhờ đẩy mạnh thương mại điện tử và tương tác với khách hàng trên mạng xã hội mà doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP có thể xuất khẩu mỗi tuần hàng chục container hàng hóa đến 80 thị trường trên thế giới. Hay cửa hàng nhỏ kinh doanh thực phẩm an toàn của chị Lê Thu Thủy (ở số 5 phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên) có thể tăng doanh thu 30%. Từ những thương hiệu lớn và có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Biti's, đến các công ty khởi nghiệp đều đang mở rộng và phát triển kinh doanh trên toàn cầu thông qua Amazon đã cho thấy mức độ tăng trưởng “chóng mặt” của thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Amazon Việt Nam, người bán hàng Việt Nam đã đạt doanh số vượt mốc 1 triệu USD trong năm 2020 trên Amazon, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, năm 2020 có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Còn theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới về công nghệ, tài chính, tư vấn như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm trong giai đoạn 2020-2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số
Các chuyên gia dự báo, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.
Là một trong hai thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển thương mại điện tử, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng 20%; 55% người dân tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; hình thành phát triển các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới…
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức hội thảo, tập huấn về thương mại điện tử, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến, trong đó có nhiều hoạt động phối hợp với các nền tảng số như Google, Alibaba, Amazon… Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, Co.opmart sẽ phát triển website thương mại điện tử kết hợp phương thức bán hàng đa kênh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho hay, từ năm 2021, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sẽ triển khai chương trình GoOnline với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử. Chương trình có sự tham gia của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống thương mại điện tử lớn, hướng đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, cá nhân trên toàn quốc.
Để khắc phục những mặt trái, trong đó nổi cộm là tình trạng không ít cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng hình thức mua bán này để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả…, Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác về thương mại điện tử nhằm nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật; cùng các sàn thương mại điện tử hàng đầu ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, phát triển hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp…
Thúc đẩy thương mại điện tử đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa sẽ tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương hết sức sôi động và đầy tiềm năng. Nếu nắm bắt kịp thời, chắc chắn lĩnh vực này sẽ tạo nên xung lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.