Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội: Thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

Thanh Hiền| 20/10/2020 15:52

Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực được thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai thời gian qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.

- Sau 2 năm thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (năm 2018-2019), chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

- Chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2018-2020 đã đạt và vượt kế hoạch. UBND thành phố đã lựa chọn và công nhận 91 sản phẩm của 58 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố (bằng 114% so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018-2020).

Đáng chú ý, trong số 58 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, 15 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, 8 doanh nghiệp thuộc nhóm sản phẩm công nghệ cao…

Các doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa.

Vì vậy, những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội bảo đảm tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường và trong cộng đồng doanh nghiệp.

Sản xuất Led thông minh, hiện đại tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tiến dần tới việc hình thành Nhà máy Led thông minh Made in Vietnam.

- Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội được thụ hưởng những chương trình, chính sách hỗ trợ gì của thành phố, thưa ông?

- Chính quyền thành phố dành rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp Thủ đô trong quá trình phát triển, thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến đầu tư, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực…

Việc công nhận và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đã góp phần tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững.

- Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Xin ông cho biết Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể như thế nào?

- Với mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, thành phố tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực chủ động tham gia và khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ mới có lợi thế; từng bước hình thành các sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Đồng thời, thành phố khai thác và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực (CPTPP, EVFTA…), tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đề án cũng đặt mục tiêu thu hút sự tham gia của 100-120 doanh nghiệp, với khoảng 150-180 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp 40% đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và từ 20% đến 25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố.

- Để thực hiện được những mục tiêu này, xin ông cho biết thành phố sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ cụ thể gì?

- Để đạt được mục tiêu trên, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết hợp mời các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối quốc tế lớn đến tham quan, kết nối và đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đặc biệt, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ tiếp tục được ưu tiên bằng việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư... theo hướng tạo thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, thành phố tập trung đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng và hoàn thiện các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo sự liên kết với các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Thành phố cũng tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xứng tầm, thiết thực, hiệu quả dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội: Thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.