Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông sản theo chuỗi: Rõ lợi ích vẫn khó nhân rộng

Bạch Thanh| 23/12/2016 07:14

(HNM) - Việc phát triển nông sản theo chuỗi đem lại nhiều lợi ích như giúp nông dân chủ động được đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp (DN) có nguồn hàng chất lượng cao, cơ quan chức năng dễ dàng quản lý và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Lợi ích đã rõ nhưng tình trạng nông dân tự sản, tự tiêu vẫn diễn ra phổ biến và rất khó nhân rộng phát triển các chuỗi nông sản để nâng cao giá trị?

Làm giàu từ liên kết chuỗi

Ông Đặng Đình Tiên, Tổng Giám đốc Công ty CP Tiên Viên, chủ thương hiệu trứng gà sạch Tiên Viên - Chương Mỹ cho biết: Nhờ tham gia chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn mà trong 8 năm qua công ty cùng hơn 20 hộ tham gia chuỗi trứng gà sạch Tiên Viên luôn chủ động được đầu ra. Theo ông, đó là nhờ việc hình thành chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, các hộ dân được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, khoa học kỹ thuật, hoàn thiện quy trình sản xuất đạt chuẩn VietGAP… Còn tại huyện Gia Lâm, hiện có trên 447ha rau được chứng nhận VietGAP với sản lượng khoảng 70 - 80 nghìn tấn/năm.

Trong đó có 2 vùng rau trọng điểm là Văn Đức và Đặng Xá đã hình thành được các nhóm nông dân sản xuất theo chuỗi, cùng tham gia giám sát chất lượng tới khâu tiêu thụ. Ông Trần Xuân Điệu, Phó phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho hay: Nhờ tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau của thành phố, nhiều nông dân ở Văn Đức, Đặng Xá đã trở thành tỷ phú với mức thu nhập đạt tới 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Không đứng ngoài cuộc, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Hà Nội cũng đã nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi với mục tiêu trong năm 2016, 2017 sẽ phát triển được 3-5 chuỗi cửa hàng liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, quy tụ khoảng 50 HTX điển hình trong mọi lĩnh vực rau, củ quả, thịt, trứng, sản phẩm làng nghề… trên địa bàn thành phố.

Vốn cho phát triển nông nghiệp luôn là trở ngại với nhiều nông dân, đồng thời là lực cản lớn nhất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Ông Đỗ Đức Dục, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hà Tây gợi mở: Việc nông dân, HTX, DN tham gia liên kết theo chuỗi sản xuất là cơ sở quan trọng để ngân hàng đẩy mạnh cho vay vốn. Vì khi tham gia vào chuỗi giá trị, DN, HTX, nông dân đều có thể lấy ngay giá trị hàng hóa làm tài sản thế chấp. Thực tế, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, với mức tăng từ 5 đến 15% về giá trị so với sản xuất bên ngoài.

Liên kết chặt vì lợi ích chung

Năm năm qua, toàn thành phố mới xây dựng được trên 40 chuỗi sản xuất nông sản khép kín và việc thực hiện “thí điểm” tuy thành công, nhưng khi nhân rộng đại trà lại gặp khó. Ông Nguyễn Quang Mạnh, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội lý giải: Theo thống kê chưa đầy đủ của các HTX cho thấy tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp, chỉ ở mức 20 - 30% đối với mặt hàng lúa gạo, 50% đối với rau, củ quả.

Một trong những lý do dẫn tới liên kết chuỗi chưa phát huy hiệu quả là nông dân vẫn chưa thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng, lúc nông sản giá cao thì chuyển hàng bán cho thương lái, lúc nông sản rớt giá lại đổ ép cho doanh nghiệp, thậm chí còn có chuyện trà trộn nông sản bên ngoài gây bức xúc cho DN, HTX thu mua. Các DN, HTX thì chưa đủ tiềm lực về vốn, năng lực chế biến, bảo quản sau thu hoạch hạn chế nên khi vào chính vụ vẫn không thực hiện đúng cam kết thu mua bao tiêu như đã ký. Trong khi đó vai trò của nhà khoa học, quản lý nhà nước vẫn còn mờ nhạt trong tất cả các khâu.

Hiện nay giá trị nông sản an toàn theo chuỗi thường có giá cao hơn các loại nông sản khác trên thị trường. Nguyên nhân là các DN tham gia vào chuỗi liên kết chịu rất nhiều chi phí, ràng buộc như phải ứng vốn đặt hàng cho nông dân sản xuất; cung ứng vật tư đầu vụ cho nông dân không tính lãi; lên phương án sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ… Đặc biệt DN còn phải chịu nhiều chi phí trong quản lý chất lượng hợp quy theo quy định của Nhà nước nên khó cạnh tranh với các đơn vị làm ăn tự do. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cần khẳng định vai trò đầu tàu, tiên phong của DN và các HTX.

Nhà nước cần có chính sách hợp lý, có cơ chế về thuế sử dụng đất… tạo sức hút để doanh nghiệp an tâm đầu tư vào nông nghiệp. Đối với HTX phải xây dựng được đội ngũ giám đốc giỏi về kinh doanh và tâm huyết với khu vực kinh tế hợp tác, với nông dân. Các hộ dân tham gia chuỗi phải được tập huấn khoa học kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ năng kết nối, liên kết thị trường, tránh làm ăn chộp giật, chỉ nhìn lợi ích trước mắt. Các mắt xích này phải tạo được một khối gắn kết trên tinh thần các bên cùng có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông sản theo chuỗi: Rõ lợi ích vẫn khó nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.