Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hàng hóa

Chí Kiên| 11/11/2011 07:23

Huyện Thạch Thất xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM là tập trung chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.


Phát triển kinh tế trong điều kiện thu hẹp đất nông nghiệp

Trong đề án xây dựng NTM và định hướng phát triển KT-XH những năm tới đây, huyện Thạch Thất luôn xác định phương hướng, mục tiêu cơ bản là nâng cao giá trị sản xuất các làng nghề truyền thống và phát triển mạnh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị cao trong điều kiện đất nông nghiệp thu hẹp. Từ định hướng này, hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhiều dự án triển khai hiệu quả như sản xuất lúa chất lượng cao ở Thạch Xá, Đại Đồng, Dị Nậu; chuyển đổi 140ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với hơn 200 trang trại cho thu nhập từ 150 đến 250 triệu đồng/ha tại các xã Lại Thượng, Cẩm Yên, Đại Đồng, Phú Kim, Yên Bình, Yên Trung… Đặc biệt, huyện đang chỉ đạo xã Hương Ngải triển khai dự án rau an toàn với diện tích 55ha; phát triển nghề trồng hoa chất lượng cao tại xã Yên Bình, Dị Nậu và Đại Đồng với diện tích 30ha; dự án trồng cây thanh long ruột đỏ với quy mô 35ha ở các xã Bình Yên và Kim Quan. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động bám đồng ruộng của chính người dân, huyện đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích sản xuất phát triển như hỗ trợ giống lúa chất lượng cao cho các HTX nông nghiệp năm 2011 với 6.855kg; hỗ trợ xã Bình Yên, Kim Quan trồng 6ha thanh long ruột đỏ, xã Hương Ngải trồng thí điểm 3ha RAT, xã Yên Bình và xã Đại Đồng trồng 3ha hoa chất lượng cao... Ngoài ra, huyện đã hợp tác với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và xây dựng mô hình nông thôn mới. Sự hợp tác này hiện đang được triển khai rất tốt với mô hình trồng lúa chất lượng cao tại các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Canh Nậu, Hạ Bằng...


Nghề cơ khí ở làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất khá phát triển, tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân. Ảnh: Bá Hoạt

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Thạch Thất cũng tập trung phát huy thế mạnh của 50 làng có nghề thủ công truyền thống với khoảng hơn 500 DN, HTX, tổ sản xuất và trên 20.000 hộ sản xuất, dịch vụ. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nâng cao giá trị thu nhập, huyện Thạch Thất đã quy hoạch, xây dựng 9 cụm công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 270ha. Hiện 237 hộ sản xuất ở xã Canh Nậu đã được giao đất ở cụm công nghiệp Canh Nậu; 24 hộ sản xuất của xã Phùng Xá được giao đất tại cụm công nghiệp mộc dân dụng Phùng Xá. Huyện đang triển khai xây dựng hạ tầng ở cụm công nghiệp cơ kim khí mở rộng xã Phùng Xá và lập hồ sơ xây dựng các hạng mục hạ tầng ở cụm công nghiệp Bình Phú...

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, huyện luôn tạo điều kiện và khuyến khích xây dựng thương hiệu các sản phẩm làng nghề; khuyến khích DN, hộ sản xuất, kinh doanh đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghiệp thế mạnh, uy tín, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, các nông sản như thanh long ruột đỏ, hoa, rau an toàn... cũng phải mang đặc trưng vùng để tạo nên những sản phẩm vừa có giá trị cao, vừa mang bản sắc với chất lượng bảo đảm. Mục tiêu của huyện Thạch Thất đặt ra trong năm 2012 sẽ hoàn thành xây dựng điểm xã NTM Đại Đồng; giai đoạn 1 từ năm 2012 đến 2015 sẽ hoàn thành ở 10 xã gồm: Phùng Xá, Bình Yên, Yên Bình, Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Hạ Bằng, Kim Quan, Chàng Sơn, Thạch Xá; giai đoạn 2 đến năm 2020 hoàn thành ở các xã còn lại. Để đạt được các mục tiêu này, theo ông Nguyễn Doãn Hoàn, huyện tiếp tục vận động nhân dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, giống mới; coi trọng mở rộng một số ngành nghề chiếm ưu thế và có truyền thống của địa phương; phối hợp với các phòng, ban, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nhân cấy nghề mới, chuyển dần lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ... Trước mắt, huyện sẽ tập trung tháo gỡ, đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là giao thông, thủy lợi; tạo sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm... Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, huyện Thạch Thất sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề để giao đất cho các doanh nghiệp và các hộ ổn định đi vào sản xuất. Triển khai các lớp học nghề, tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho giám đốc và cán bộ quản lý doanh nghiệp... Trưởng phòng Kinh tế Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện cũng sẽ tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng tình hình phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên phạm vi toàn huyện để xây dựng định hướng phát triển bền vững, bảo đảm nâng cao đời sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hàng hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.