(HNM) - Để đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung tái cơ cấu theo vùng trọng điểm và phát triển nhóm sản phẩm chủ lực.
Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Thực tế qua hơn 4 năm thực hiện, tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp tại các địa phương còn chậm. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Mặc dù tốc độ tăng GDP bình quân ngành Nông nghiệp đạt 2,46%/năm; nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa tạo bứt phá như kỳ vọng; việc thực hiện tái cơ cấu còn chậm so với kế hoạch đề ra...
Tại Hà Nội, trong những năm qua ngành Nông nghiệp đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, như: Cây ăn quả, hoa - cây cảnh, rau an toàn, vùng chăn nuôi xa khu dân cư... Hà Nội cũng đã xây dựng được 66 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 9 chuỗi rau, thịt với 13 cửa hàng được xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hình thành 30 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ; xây dựng và duy trì 27 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật... Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, so với tiềm năng, lợi thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành Nông nghiệp còn thấp so với các ngành khác; sản xuất manh mún; việc triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao khó khăn do thu hút đầu tư vào nông nghiệp thấp...
Để khắc phục tồn tại, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16-11-2017. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, định hướng giai đoạn 2017-2020, trên cơ sở rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường... sẽ phân loại thành 3 cấp sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Đặc biệt, cơ cấu lại nông nghiệp sẽ được thực hiện theo vùng, nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng từng vùng...
Ngoài ra, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ định hướng cụ thể cho từng lĩnh vực. Đơn cử, chăn nuôi phát triển theo liên kết chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm với tốc độ tăng giá trị sản xuất 4,5-5%/năm và tăng thu nhập đạt tối thiểu 5%/năm. Trong trồng trọt, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển mạnh đất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn. Với thủy sản, mục tiêu tăng giá trị sản xuất đạt 4,5-5%/năm với tốc độ tăng thu nhập tối thiểu 5%/năm và sản lượng đạt 7 triệu tấn...
Để giúp các địa phương triển khai hiệu quả trong giai đoạn mới, Bộ NN&PTNT đang giới thiệu Bộ tiêu chí giám sát đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020 cho các tỉnh, thành phố. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp Nguyễn Thị Hồng cho biết: Vừa qua, Bộ đã giới thiệu Bộ tiêu chí này cho 100 đại biểu đến từ Sở NN&PTNT, Cục Thống kê của 35 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Qua đó, giúp các địa phương đánh giá đúng và tập trung triển khai theo mục tiêu cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020.
Mục tiêu đặt ra của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020: Tốc độ tăng GDP đạt khoảng 3%/năm; lao động nông nghiệp được đào tạo khoảng 22%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.