Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển ngành Y tế nhanh, bền vững, hiện đại

Thu Trang| 24/02/2023 14:02

(HNMO) - Sáng 24-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến kết nối với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng đại diện Sở Y tế Hà Nội và các sở, ngành, bệnh viện của thành phố.

Vượt và đạt 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2022, ngành Y tế đã thực hiện vượt và đạt 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao. Thứ nhất, chỉ tiêu số bác sĩ trên 10 nghìn dân là 11,5 bác sĩ (vượt chỉ tiêu được giao 9,4 bác sĩ/10 nghìn dân); thứ hai, số giường bệnh trên 10 nghìn dân là 31 giường bệnh (vượt chỉ tiêu được giao 29,5 giường bệnh/10 nghìn dân); thứ ba, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92,03% dân số (đạt chỉ tiêu được giao 92% dân số).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Công tác khám, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19. Riêng năm 2022, số lượt khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc là khoảng 153,7 triệu lượt, trong đó tuyến huyện và xã là 116,8 triệu lượt (chiếm 76% tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, công tác y tế cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Cùng với đó, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp. Dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, khó dự đoán… Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 cũng như những năm tới đối với ngành Y tế rất nặng nề.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được của ngành Y tế trong năm 2022; đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo các đại biểu, tới đây cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế trong vấn đề đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị và hóa chất…

 Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tham dự hội nghị cũng như tới toàn thể đội ngũ “chiến sĩ áo trắng” trên toàn quốc lời thăm hỏi ân cần, lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành y cũng đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình. Đặc biệt, trong hơn 3 năm chống dịch Covid-19, hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế đã ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, góp phần cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh hội nghị tại Trụ sở Chính phủ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần “Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật” của đội ngũ y, bác sĩ và những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả.

Theo đó, đội ngũ cán bộ còn nhiều người mắc khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật. Hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng một số bệnh viện còn chậm. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục…

Đặc biệt, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, sinh phẩm cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm. Mặt khác, chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế chậm được điều chỉnh. Đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng nhu cầu. Xuất hiện tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập. Ý thức phục vụ người bệnh của một bộ phận y, bác sĩ, nhân viên y tế chưa cao…

Với mục tiêu nâng cao sức khỏe người Việt Nam cả về thể chất và tinh thần, trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, ngành y phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; yêu thương chăm sóc người bệnh như người thân của mình, không ngừng trau rồi chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó phát triển ngành Y tế nhanh, bền vững, hiện đại và hội nhập.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý ngành Y tế cần tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững... Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Thứ ba, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch”.

Thứ tư, triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện và người dân, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…

Thứ năm, khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, làm căn cứ xây dựng, trình ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.

Thứ sáu, triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng; quan tâm phát triển y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa cơ sở 2…

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thứ bảy, triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh việc triển khai Sổ y bạ điện tử kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa… Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam. Từ đó, nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu, các loại thuốc chữa bệnh trong nước có chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu.

Thứ chín, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý “sợ sai”, “làm ít, sai ít”, “không làm, không sai” đang xảy ra ở một số cơ sở y tế. Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền...

Thứ mười, làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, giảm gánh nặng cho công tác y tế

Mười một, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa các bộ ngành, các địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành Y tế nhanh, bền vững, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.