Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển mạng 5G - đối mặt bài toán khó

Việt Nga| 05/11/2020 07:26

(HNM) - Giá cước dữ liệu (data) di động ở Việt Nam hiện được coi là thấp so với khu vực và thế giới. Điều này gây không ít bất cập khi sắp tới cả ba nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone chính thức kinh doanh dịch vụ 5G… Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ khiến việc phát triển mạng 5G đối mặt với bài toán khó...

Với dịch vụ băng rộng di động (3G, 4G), năm 2018 giá cước data là 14.000 đồng/GB, đến năm 2019 còn khoảng 9.000 đồng/GB và hiện nay chỉ 5.000 đồng/GB. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có giá cước thấp so với khu vực và thế giới. Để thu hút người dùng, các nhà mạng liên tục đưa ra các gói cước giá rẻ, cùng chính sách tăng dung lượng data lên 5-6 lần… Kết quả, đến nay tỷ trọng doanh thu data (gồm cả 3G, 4G) vẫn chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu của các nhà mạng, trong khi lưu lượng data tăng trưởng 20%/năm. Còn trên thế giới, tỷ trọng doanh thu data chiếm 60-70% tổng doanh thu nhà mạng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về đầu tư mạng 5G, ông Giang Văn Thắng, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng và kết nối, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, với công nghệ 2G, 3G, 4G, 1 trạm thu phát sóng (BTS) có thể phủ sóng trong vòng bán kính 2-15km, thì với 5G vùng phủ sóng hẹp hơn nhiều, chỉ khoảng 20-100m. Có nghĩa là suất đầu tư cho 5G cao gấp 4-5 lần so với công nghệ cũ, từ đó đặt ra bài toán hiệu quả đầu tư với nhà mạng. Do vậy, khi kinh doanh dịch vụ 5G, nếu vẫn duy trì mức cước data hiện nay sẽ là một thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, có một thực tế dù cước data hiện nay thấp song đây là mặt hàng mà Nhà nước không quản lý về giá và cước data thấp cũng góp phần kích thích tiêu dùng cho người dân. Vậy, các nhà mạng cần làm gì để giải được bài toán về hiệu quả đầu tư?

Theo ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, quản lý dịch vụ wifi, kiểm soát cước băng rộng cố định… là giải pháp góp phần tăng nhu cầu dùng băng rộng di động, giúp nhà mạng có nguồn lực tái đầu tư cho phát triển mạng lưới.

Còn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Tào Đức Thắng cho rằng, muốn tăng doanh thu data thì nhà mạng phải có các gói cước, ứng dụng tiện ích… để kích thích tiêu dùng data di động nhiều hơn. Tương tự, ông Nguyễn Trường Giang, Quyền Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone cho biết, nhà mạng sẽ đưa ra nhiều ứng dụng, dịch vụ mới để thu hút người dùng data nhiều hơn.

Cuối tháng 10-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G cho Viettel, MobiFone. Dự kiến trong tháng 11-2020 này cả hai nhà mạng chính thức khai trương việc thử nghiệm 5G tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ở các nước đã triển khai mạng 5G, giá data tương đương 20.000-30.000 đồng/GB. Do vậy, trong nhiều chính sách để đạt hiệu quả khai thác, kinh doanh dịch vụ, các nhà mạng Việt Nam nên đưa ra mức giá 5G khoảng 15 đến 20.000 đồng/GB, tương đương mức giá 4G năm 2018. Nếu tiếp tục đà chạy đua giá cước như hiện nay thì phát triển mạng 5G có lẽ vẫn là bài toán khó không biết khi nào đến hồi kết...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mạng 5G - đối mặt bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.