Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển lực lượng biểu diễn nghệ thuật trẻ: Cần sớm hành động quyết liệt

Thụy Du| 09/05/2021 06:03

(HNM) - Hơn 1 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật hầu như dừng biểu diễn phục vụ khán giả, nên không có doanh thu. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là người trẻ khó tiếp tục theo nghề. Có câu “thầy già, con hát trẻ”, với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, lực lượng trẻ phải là nòng cốt được chăm lo nhằm tạo sức sống và tương lai cho nghệ thuật. Vì vậy, để phát triển lực lượng biểu diễn nghệ thuật trẻ cần có hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.

Một cảnh trong vở kịch “Trương Chi - Mị Nương” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ thuộc Nhà hát Kịch Hà Nội.

Nhọc nhằn theo đuổi nghệ thuật

Dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến sân khấu biểu diễn cả nước, khiến nhiều đơn vị nghệ thuật buộc phải có những quyết định khó khăn, trong đó chịu thiệt thòi trước tiên là các nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, vừa qua, nhà hát phải cắt giảm hơn 30 diễn viên hợp đồng vì không có doanh thu biểu diễn, nên không chi trả được lương cho họ. “Đây đều là nghệ sĩ trẻ, được tuyển chọn gắt gao và phục vụ cho nhà hát nhiều năm qua. Không ít trong số đó sắp đủ điều kiện làm hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú”, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu tiếc nuối. 

Nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng trong tình trạng tương tự. Nghệ sĩ ưu tú Thu Hoài (Nhà hát Cải lương Hà Nội) chia sẻ: “Phần lớn diễn viên thuộc Đoàn Cải lương Hoa Mai đã 40-50 tuổi, ít diễn. Số diễn viên trẻ không nhiều và hầu hết chỉ được ký hợp đồng, nên giữ chân họ rất khó. Sân khấu thiếu người trẻ sẽ kém hấp dẫn khán giả”. Theo nghệ sĩ trẻ Phùng Thị Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội), dù đơn vị tạo điều kiện để trả lương cơ bản với mức 2-4 triệu đồng/tháng, song không biểu diễn, không có thù lao, các nghệ sĩ trẻ vô cùng vất vả để theo đuổi đam mê nghệ thuật.

Cuộc thi tài năng xiếc toàn quốc năm 2021 vừa khép lại vào cuối tháng 4 tại Hà Nội cũng cho thấy thực trạng khó khăn đối với nghệ sĩ trẻ. Nhiều đơn vị thiếu hụt nguồn nhân lực, không có điều kiện đầu tư, dàn dựng tiết mục dự thi. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An Nguyễn Triệu Minh cho biết, Đoàn xiếc Long An được khoán doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, hơn một năm nay do dịch Covid-19, đoàn gần như không biểu diễn, nghệ sĩ cũng chỉ còn 22 diễn viên. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cử người về động viên đoàn tham dự, hỗ trợ các nghệ sĩ ra Hà Nội luyện tập trước để nâng cao trình độ biểu diễn và dàn dựng tiết mục...

Theo Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ, quyền Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nghệ thuật xiếc là loại hình đặc thù và thiệt thòi hơn so với các môn nghệ thuật khác. Nghệ sĩ phải được đào tạo từ nhỏ, khổ luyện ít nhất 5 năm, trong khi tuổi nghề lại ngắn (chỉ diễn đến 30-35 tuổi). Môn nghệ thuật này chỉ có một cuộc thi tài năng chung ở phạm vi toàn quốc, tổ chức 3 năm/lần, nên các nghệ sĩ có ít cơ hội thể hiện và được công nhận tài năng, trình độ.

Một tiết mục biểu diễn do các nghệ sĩ trẻ của Đoàn Thể nghiệm thuộc Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện. Ảnh: Liên Nguyễn

Tạo nhiều cơ hội phát triển

Dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn say sưa với nghề. Nghệ sĩ Nguyễn Quỳnh Liên (Nhà hát Tuồng Việt Nam) vừa đoạt Huy chương vàng cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2020” cho biết, chị sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), nên đã yêu môn nghệ thuật này từ nhỏ. Được Nhà hát Tuồng Việt Nam tuyển chọn và đào tạo trong 4 năm, nghệ sĩ trẻ sinh năm 1999 này cùng hơn 20 tài năng khác đang là lực lượng nòng cốt của Nhà hát Tuồng Việt Nam. “Thời gian qua, tuy khó khăn nhưng muốn theo đuổi đam mê đến cùng, nên tôi nỗ lực tìm cách ổn định cuộc sống. Những lúc dừng biểu diễn, tôi vẫn rèn nghề để giữ phong độ và sẵn sàng cống hiến khi nhà hát mở cửa. Chúng tôi mong có chế độ đãi ngộ phù hợp để nghệ sĩ trẻ theo nghề và sống được bằng nghề”, nghệ sĩ Nguyễn Quỳnh Liên chia sẻ.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, nếu không khẩn trương, quyết liệt hành động, thì nghệ thuật sẽ mất dần tài năng, gây hệ lụy lâu dài cho sân khấu. Các đơn vị nghệ thuật phải tích cực tự vận động, tạo cơ hội để nghệ sĩ trẻ đứng trên sân khấu biểu diễn. Đơn vị đầu ngành hoặc có điều kiện tốt hơn nên giúp đỡ, hỗ trợ các đơn vị khác về cơ sở vật chất, đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ. “Việc phát triển nghệ thuật đồng đều trên cả nước sẽ nâng tính chuyên nghiệp trong từng loại hình, tạo nên hệ sinh thái nghệ thuật bền vững, giúp các nghệ sĩ tự tin cống hiến”, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Ánh khẳng định.

Ở góc độ quản lý, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hướng Dương cho rằng, các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật là cú hích để đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ đầu tư, nâng cao chất lượng tác phẩm, tiết mục. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ cho tương lai của nghệ thuật biểu diễn nước nhà. Thời gian tới, Cục sẽ triển khai đề án “Tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2021-2030”, xây dựng cơ chế phát triển tài năng trẻ các lĩnh vực…

Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố tập trung giải quyết những vấn đề về cơ sở vật chất, trang thiết bị để các đơn vị nghệ thuật tự chủ; đổi mới cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng cho nghệ thuật biểu diễn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển lực lượng biểu diễn nghệ thuật trẻ: Cần sớm hành động quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.