(HNM) - Những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều làng nghề trên cả nước nói chung, huyện Phú Xuyên nói riêng, rơi vào cảnh khó khăn...
Xã Chuyên Mỹ có nghề khảm trai truyền thống. Nhờ nghề này mà hàng nghìn hộ dân trong xã có cuộc sống sung túc. Anh Vũ Sinh Thế, 37 tuổi, thôn Trung cho biết, với các sản phẩm khảm trai, ốc tinh xảo, gia đình không cần phải quảng cáo mà vẫn bán rất chạy. Hiện sản phẩm của gia đình được tiêu thụ trong cả nước. "Khi mới khởi nghiệp, ít vốn, gia đình làm đến đâu mua gỗ đến đấy, nay mỗi lần tôi nhập cả chục khối gỗ về phơi, khô làm dần".
Nghề khảm trai ở thôn Trung, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. |
Ở xã Chuyên Mỹ, những gia đình nhiều đời nối nghiệp sản xuất hàng khảm trai không hiếm. Bà Nguyễn Thị Nghệ, chủ một cơ sở sản xuất ở thôn Trung cho biết, gia đình có 3 người con thì cả 3 đều theo nghề truyền thống. Trong đó có một người mang nghề vào tận TP Hồ Chí Minh lập nghiệp gần chục năm nay. Theo Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Nguyễn Đức Lượng, xã có 7 thôn thì cả 7 thôn đều được công nhận làng nghề, thu hút 70% lao động vào sản xuất. Ngoài làm nghề ở địa phương, Chuyên Mỹ còn có hàng trăm người mang nghề truyền thống đi làm kinh tế ở các tỉnh phía Nam.
Toàn huyện Phú Xuyên hiện có 156 thôn, làng, cụm dân cư có nghề, trong đó có 38 làng nghề đã được công nhận theo tiêu chí làng nghề của thành phố. Hiện tại, trên địa bàn tiếp tục có 30 thôn, làng đạt tiêu chí làng nghề theo Thông tư 116 của Bộ NN&PTNT. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Trần Hữu Thước cho biết, toàn huyện có 14 xã đạt xã nghề (100% số thôn đạt tiêu chí làng nghề) như: Văn Nhân, Sơn Hà, Chuyên Mỹ, Phú Yên… chiếm 50% số xã trên toàn huyện. Đặc biệt, trước đây, các xã phía đông nam huyện như Tri Thủy, Quang Lãng… là xã thuần nông, người dân không có nghề phụ thì nay đều đã có nghề.
Làng nghề phát triển, toàn huyện Phú Xuyên có 39,9% số hộ tham gia sản xuất với 38.102 lao động, chiếm hơn 35% lao động toàn huyện. Năm 2012, giá trị từ sản xuất làng nghề của huyện đạt hơn 2.400 tỷ đồng, trung bình lao động có thu nhập 22,8 triệu đồng/người/năm.
Thêm động lực thúc đẩy làng nghề
Qua số liệu khảo sát của UBND huyện Phú Xuyên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên hoạt động sản xuất của một số làng nghề có giảm sút do đầu ra khó khăn. Đặc biệt, có 5 làng nghề đang trong tình trạng mai một không phát huy được, đang chuyển đổi ngành nghề để thích ứng với cơ chế thị trường như nghề thêu ở Đại Đồng, thị trấn Phú Xuyên; nghề đan guột tế thôn Phú Túc, xã Phú Túc và thôn Trung Lập, xã Tri Trung; nghề cào bông - màn tuyn ở thôn Văn Hội, xã Đại Thắng; nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở làng Hòa Khê Hạ, xã Bạch Hạ. Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, tháng 11-2011, Huyện ủy Phú Xuyên đã xây dựng chương trình 09 về phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015, kèm theo đó là giải pháp và nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển làng nghề.
Huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc vinh danh làng nghề, nhằm động viên, khuyến khích kịp thời các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động tại các làng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, từng bước tháo gỡ khó khăn trong nghề truyền thống. Huyện đã chọn ngày 26-10 hằng năm là ngày vinh danh các làng nghề của huyện. Phú Xuyên đang tập trung quy hoạch 5 cụm làng nghề tại các xã: Chuyên Mỹ, Vân Từ, Phú Túc, Đại Thắng, Tân Dân. Đồng thời, quy hoạch tuyến du lịch làng nghề về các làng giay da Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ. Là huyện có nhiều làng có nghề mộc, trước đây để có nguyên liệu sản xuất, các hộ dân vẫn phải tự đi tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở rất xa. Thậm chí, có hộ còn sang tận Lào, Campuchia để thu mua gỗ, nhiều lúc không chủ động được nguồn nguyên liệu. Tháo gỡ khó khăn này, huyện đang quy hoạch điểm kinh doanh gỗ đặt tại thị trấn. Đồng thời huyện tập trung xây dựng một số thương hiệu trong năm 2013.
Mặc dù các làng nghề vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn song có thể thấy, những cơ chế, chính sách lớn hướng về làng nghề đã và đang góp phần giúp các địa phương khôi phục lại sản xuất, đưa làng nghề trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.