(HNM) - Liên minh Hợp tác xã (HTX) Hà Nội vừa phối hợp với sở, ngành liên quan khảo sát các HTX trên địa bàn thành phố.
Đây là đợt khảo sát diện rộng nhằm chuẩn bị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 24 của Thành ủy ngày 19-9-2013 nhằm thực hiện Kết luận 56/KL-TƯ ngày 21-2-2013 của Bộ Chính trị về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Qua đợt khảo sát cho thấy, phát triển kinh tế tập thể ở cấp cơ sở còn muôn vàn khó khăn và không ít địa phương còn thờ ơ với mô hình kinh tế này.
HTX Rau an toàn (RAT) Tiền Lệ xã Tiền Yên (Hoài Đức) đã được đầu tư hạ tầng gần 30 tỷ đồng với đầy đủ nhà sơ chế, nhà lưới… nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phó Giám đốc HTX RAT Tiền Lệ Nguyễn Khắc Bút thừa nhận: Hạ tầng cơ sở cho vùng rau của địa phương khá ổn, nhưng việc tổ chức bao tiêu sản phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào cho xã viên còn gặp khó khăn.
Cảnh ngộ này cũng xảy ra ở HTX Nông nghiệp Viên Sơn (Sơn Tây). Giám đốc HTX Nông nghiệp Viên Sơn Lê Văn Thuyết cho hay: Với 110ha đất nông nghiệp, trong đó có 20ha trồng rau và 6,5ha rau VietGAP, nhưng sản xuất rau xanh ở đây vẫn manh mún, mỗi thửa một loại rau. Sản lượng mỗi vụ thu hoạch hàng nghìn tấn rau, song HTX mới chủ động tiêu thụ được 50%, còn 50% tiêu thụ qua thương lái…
Chăn nuôi gia súc tại Hợp tác xã Ngũ Châu, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt |
Qua rà soát, thị xã Sơn Tây có 25 HTX, trong đó: 15 HTX nông nghiệp; 3 HTX chăn nuôi (trong đó 1 đang chờ giải thể); 4 HTX làng nghề thì 3 vướng mắc tài sản chưa giải thể được. Khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể ở Sơn Tây là việc tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012 chậm trễ và lúng túng, hiện còn 3 HTX chưa chuyển đổi. Dù thị xã có nhiều giải pháp tháo gỡ chính sách HTX, nhưng rất khó triển khai, bởi kinh phí hỗ trợ thấp; cán bộ HTX già yếu, không có cán bộ trẻ thay thế...
Không riêng thị xã Sơn Tây, khó khăn trên đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Đơn cử huyện Thạch Thất: Toàn huyện có 52 HTX (30 HTX nông nghiệp, 12 HTX làng nghề, 10 quỹ tín dụng nhân dân), nhưng chỉ chú trọng HTX nông nghiệp trong công tác tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, huyện Thạch Thất đã chuyển đổi xong 25/30 HTX nông nghiệp, đạt 83,3%.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, cái khó của Thạch Thất là cán bộ Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện liên tục thay đổi và vừa mới kiện toàn. Huyện có quan điểm chú trọng hơn loại hình HTX nông nghiệp, còn các quỹ tín dụng nhân dân và HTX làng nghề thì thực sự khó quản lý, bởi các HTX tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề ở huyện chủ yếu biến tướng mô hình HTX gia đình để được thuận lợi hơn về ưu đãi đầu tư, xúc tiến thương mại và vay vốn…
Trước những khó khăn trong hoạt động của nhiều HTX trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh cho rằng: Chương trình 24 của Thành ủy Hà Nội về phát triển kinh tế tập thể đã ra đời được 3 năm, nội dung nêu khá cụ thể các mục tiêu, giải pháp củng cố HTX và cũng chỉ rõ những hạn chế phát triển HTX, tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể. Vấn đề đặt ra với các quận, huyện, thị xã về phát triển kinh tế HTX là có thực sự quyết liệt làm HTX hay không.
Để thúc đẩy HTX phát triển, mấu chốt vấn đề là phải tháo được một loạt các nút thắt đang cản trở HTX như: Nhân lực cho HTX, vốn, chính sách… Chính quyền các quận, huyện, thị xã phải “cuốn” HTX vào các nhiệm vụ cụ thể tại địa phương như liên kết hỗ trợ nông dân về giống, vật tư đến đầu ra nông sản; làm tốt công tác xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý về các nông sản, đặc sản mang tính thế mạnh…
Liên minh HTX Hà Nội kỳ vọng thời gian tới khi thành phố có sự rà soát đánh giá tổng thể kết quả 3 năm thực hiện Chương trình 24 của Ban thường vụ Thành ủy về kinh tế tập thể, kinh tế HTX của Hà Nội, qua đó nhân rộng điển hình, khắc phục khó khăn hạn chế từ cơ sở để có bước triển khai phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.